Multimedia Đọc Báo in

Thông tin mới về biến đổi khí hậu

18:04, 05/06/2011

1. Hai tảng băng Greenland tan lấp đầy hồ Lake Erie
Tạp chí Geophysical Reseach Letters (Mỹ) vừa công bố nghiên cứu của các chuyên gia ở ĐH Ohio cho hay,  2 trong số 3 cánh đồng băng khổng lồ ở Greenland là Helheim, Kengerdlugssuqq và Jokobshavh Isbrae hiện đã và đang tan, có nguy cơ lấp đầy hồ Lake Erie. Nghiên cứu trên cũng cho thấy cả 3 cánh đồng băng này có lượng nước bằng 1/5 lượng nước của đại dương. Riêng Jokobshavh Isbrae có mức độ tan nhanh nhất và đến nay đã mất khoảng 300 gigaton (tương đương 300 tỷ tấn) băng, còn Helheim lại có mức tan thấp, thậm chí còn được bồi thêm, lượng bồi thêm này tương đương khoảng 1/5 mức tổn thất của Jakobshavn Isbraer bị tan ra.

2. Hồ muối lớn nhất của Iran đang có nguy cơ bị biến mất
Hồ Orounich Lake là hồ muối lớn nhất của Iran, địa danh du lịch sinh thái hấp dẫn, nơi có nhiều loài chim quý như hồng hạc, bồ nông và mòng biển sinh sống nhưng hiện đang có nguy cơ teo lại do nạn biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài, đã thu hẹp tới 60% diện tích so với những năm đầu thế kỷ trước, có nguy cơ biến mất trong vòng vài chục năm nữa. Do lượng nước cung cấp cho hồ giảm nên lượng muối tăng cao, bốc hơi đưa đến những cánh đồng nông nghiệp kề cạnh làm cho các loại cây trồng truyền thống ở vùng này như táo, nho, hành, khoai tây, các loại rau thơm gia vị, khoai lang… bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí gió mang theo bụi muối đưa đến cả thủ đô Tehran, cách hồ gần 600 km. Để khắc phục tình trạng tiệt chủng của hồ Orounich Lake, Chính phủ Iran hiện đang tiếp tục xây dựng 35 con đê dọc theo các sông dẫn nước vào hồ, thậm chí áp dụng cả công nghệ mưa nhân tạo để cấp nước và dùng hệ thống bơm nước từ những nơi khác về để cứu hồ.

 

3. Báo động nạn đốt phá rừng ở Brazil
Theo nguồn tin của BBC, bằng vệ tinh nhân tạo các nhà khoa học đã thu được những hình ảnh mới nhất về nạn đốt phá rừng diễn ra tại khu vực Amazon của Brazil. Theo hình ảnh thu được, thì mức phá rừng trong hai tháng 3 và 4-2011 tăng tới 593km2 so với 103km2 của cùng kỳ 2010. Với mức báo động này, Chính phủ Brazil đã quyết định sửa đổi đạo luật bảo vệ rừng có tên là Forest Code ban hành năm 1934, sửa một lần vào năm 1965. Việc thay đổi cơ bản đạo luật nói trên của Brazil là bảo vệ rừng, cuộc sống của những người lệ thuộc vào rừng. Đạo luật sửa đổi yêu cầu duy trì đất rừng nguyên thủ ở mức 80%, có nghĩa, không được phá rừng để trồng lại các loại cây khác.

4. Đến năm 2050, 80% năng lượng thế giới sẽ là nguồn năng lượng tái sinh
Hãng tin Anh Reuters trích dẫn nguồn tin của Liên Hợp Quốc cho biết, các chính phủ thành viên của Liên Hợp Quốc đã thống nhất phê duyệt dự án nhằm phấn đấu đến năm 2050, 80% mức năng lượng dùng trên thế giới sẽ đi từ nguồn tái tạo như năng lượng mặt trời, gió hoặc thủy điện. Theo các quan chức của Liên Hợp Quốc, dự án trên được cộng đồng thế giới ủng hộ bởi nó mang lại nhiều lợi ích cho con người, đặc biệt lợi ích về môi trường và sức khỏe. Cũng theo số liệu của LHQ thì chỉ riêng năm 2008, thế giới đã sản xuất được 12,9% năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng sinh học, thủy điện sức gió, sóng biển, năng lượng địa nhiệt và năng lượng mặt trời. Mức này tương đương với 1,53 nghìn tỷ tấn CO2 phát tán của toàn ngành công nghiệp thế giới.

5. Các bãi biển và công viên miền Tây Australia sẽ biến mất vào năm 2100?
Trung tuần tháng 5-2011, Ủy ban phụ trách biến đổi khí hậu của Australia (ACC) công bố báo cáo mang tên The Critical Decade (thập kỷ quan trọng) cho biết, do biến đổi khí hậu, mực nước biển tăng nhanh mà nhiều bãi biển công viên ở miền Tây Australia kể cả bãi biển Cottesloe sẽ "tiệt chủng" vào năm 2100. Theo báo cáo này thì từ đầu thập niên 90 ở thế kỷ trước, mực nước biển ở khu vực nói trên đã tăng tới 8 mm. Năm 2007, Liên Hợp Quốc  dự báo mực nước biển tăng tới 59cm, thấp hơn rất nhiều so với dự báo của Australia (0,9 đến 1,6m). Sở dĩ ACC đưa ra cảnh báo này là dựa vào nghiên cứu và dự báo của các chuyên gia ở Viện Hải dương học thuộc ĐH Western Australia cho rằng đến năm 2100 mực nước biển sẽ tăng trên 1 mét. Cũng theo dự báo, cứ 1cm nước biển dâng cao thì có 1 mét bờ biển bị gậm mòn, nghĩa là bờ biển sẽ tiến sâu vào đất liền tới 100 mét,  đó là chưa kể những tác động khác, đặc biệt là sóng biển.

6. Biến đổi khí hậu làm tăng sóng nhiệt
Tạp chí Môi trường & Sức khỏe của Mỹ số ra đầu tháng 5 vừa qua cảnh báo, do khí hậu thay đổi đột biến đã tạo ra những làn sóng nhiệt, bão lửa kinh hoàng tại nhiều nơi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người. Theo các chuyên gia ở ĐH Johns Hopins nơi thực hiện nghiên cứu này thì từ năm 1987-2005, Chicago (Mỹ) đã phải hứng chịu 14 cơn sóng nhiệt, trung bình mỗi cơn dài 9,2 ngày,  mỗi năm làm 53 người chết. Dự báo, từ năm 2081 đến 2100 số người chết ở Mỹ vì sóng nhiệt sẽ tăng từ 166 đến 2.217 người/năm, đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm. Riêng tại Chicago, độ dài mỗi cơn sóng nhiệt này sẽ cao gấp 3,9 lần so với giai đoạn 1987-2005.

Khắc Nam (Theo SD/AP/BBC -5/2011)

 


Ý kiến bạn đọc