Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối nạn phá rừng trồng sắn

08:28, 05/07/2011

Niên vụ sắn năm 2010-2011, giá thu mua sắn nguyên liệu tại các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh 2.250 đồng/kg sắn củ tươi, còn thị trường sắn lát khô mức 4.500 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. 

Do giá sắn nguyên liệu tăng cao, nhiều người dân xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) đã trúng lớn. Trung bình 1 ha sắn người dân thu lãi ròng trên 30 triệu đồng. Vì vậy, mùa sắn năm nay họ tìm mọi cách mở rộng diện tích kể cả việc phá rừng khiến cho cơ quan chức năng tại địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Tính đến thời điểm này diện tích trồng sắn trên địa bàn xã tăng lên 619 ha gần gấp đôi so với năm 2010. Ông Ama Nho, Chủ tịch UBND xã Cư Drăm lý giải: “Hiện tại UBND xã được giao quản lý gần 4.500 ha, trong khi cán bộ quản lý chỉ có 2 người, phương tiện hỗ trợ không có nên chúng tôi rất khó khăn trong việc kiểm soát người dân đổ xô vào rừng lấn chiếm đất”. Cộng với đó thủ đoạn phá rừng cũng rất tinh vi. Họ thường tổ chức cho phụ nữ, trẻ em đi “luống” (phát các loại cây bụi như le, cỏ dại ... trước khi triệt hạ các cây lớn), nên nhân viên bảo vệ rừng đi tuần tra không thể bắt phạt xử lý. Việc người dân đổ xô lấn chiếm đất rừng có nhiều nguyên do, thứ nhất là hiện nay tình trạng dân di cư tự do vào địa bàn xã tăng lên khá nhanh. Nếu như năm 2010 toàn xã có 50 hộ di cư tự do, thì 6 tháng đầu năm 2011 đã tăng thêm gần 60 hộ. Do lượng dân di cư tự do lớn, quỹ đất sản xuất giao cho các hộ có hạn nên họ tìm mọi cách lấn chiếm rừng để có đất sản xuất. Thứ 2, trên địa bàn xã có tới trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số gồm Tày, Nùng, Mường, Mông, Êđê dẫn đến việc tuyên truyền còn gặp hạn chế do bất đồng ngôn ngữ. Ngoài ra, giá một chiếc cưa máy trên thị trường chỉ 2 đến 3 triệu đồng nên đa số người dân ai cũng có điều kiện để sắm.

Một hộ gia đình người Mông đang đốt rừng tại tiểu khu 1176.
Một hộ gia đình người Mông đang đốt rừng tại tiểu khu 1176.
Để tìm hiểu thực trạng phá rừng đang diễn ra chúng tôi đã chạy xe gần 40 km vào tận tiểu khu 1176 hàng chục héc-ta rừng nơi đây đều bị chặt trụi, cây gỗ nằm ngổn ngang xen lẫn với những cây sắn vừa mọc. Cách đó không xa gia đình ông Lý Văn Trinh, ở buôn Yang Hanh đang gom các cây rừng khô chuẩn bị châm lửa đốt cho biết: “Nhà mình ở ngoài Tuyên Quang di cư tự do vào không có tiền mua đất nên vào rừng kiếm đất để trồng sắn. Trong buôn mình nhiều hộ cũng vào đây phá rừng”. Theo ông Trinh, để phát 1 ha rừng nếu dùng dao thì phải mất vài ba tháng mới xong chứ dùng máy cưa thì khoảng 10 ngày. Ông Trinh còn tiết lộ, phần lớn người dân ở đây chủ yếu phá rừng vào mùa mưa, khi có tiếng gió, tiếng mưa, đường sá đi lại lầy lội nên cán bộ ít đi và họ không nghe được tiếng máy cưa. Theo quan sát của tôi thì đồng bào dân tộc thiểu số ở đây không chỉ áp dụng kiểu phá rừng truyền thống là bóc một khúc vỏ cây xung quanh cho cây chết từ từ mà họ còn áp dụng hiệu ứng Domino là cưa 2/3 cây rừng hoàng loạt rồi cưa một cây gỗ lớn gần đứt hết để lợi dụng sức gió đẩy cây ngã và thế là hàng loạt cây rừng đổ theo một chiều nhất định. Điều này sẽ rất thuận lợi cho việc gom đốt sau này.

Có thể nói thực trạng phá rừng làm rẫy ở các xã vùng xa của huyện Krông Bông đang diễn ra phức tạp với nhiều hình thức tinh vi. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo các cơ quan chức năng hãy nhanh chóng vào cuộc để cứu những cánh rừng đang ngày bị kiệt quệ vì sự lên giá của cây sắn cao sản.

Tuấn Anh

Ý kiến bạn đọc