09:21, 09/09/2011
Là địa phương chịu ảnh hưởng giữa hai vùng khí hậu đồng bằng duyên hải miền Trung và đông Trường Sơn nên tình hình thời tiết trên địa bàn huyện M’Drak luôn có diễn biến phức tạp, lượng mưa trung bình cao, thường kèm theo gió lốc. Để giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, huyện đã xây dựng và triển khai các phương án phòng, chống theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với lụt bão.
|
Ban Chỉ huy PCBL-GNTT huyện M’Drak kiểm tra mức độ sạt lở ở đập thôn 8 (xã Ea Riêng) trong đợt mưa lũ năm 2010. |
Có mặt tại công trình đập tràn xả lũ Ea Boa (thôn 1, xã Ea Trang) mới thấy hết không khí lao động khẩn trương nơi đây. Các loại xe chuyên dụng khẩn trương đào, múc và vận chuyển đất để tạo dòng chảy; các thợ xây, công nhân phụ hồ cũng đang cố gắng phấn đấu hoàn thành những công đoạn cuối cùng của công trình. Anh Ngô Thanh Tâm, Giám sát công trình đập tràn xả lũ Ea Boa cho biết: “Trận lũ lụt tháng 11 năm ngoái khiến đập bị hư hỏng nặng, nước tràn mạnh xuống phía dưới hạ lưu gây thiệt hại gần 200 ha lúa nước của bà con buôn Hạp, buôn Bơn, buôn Thi và thôn 1. Vì vậy, trước mùa mưa lũ năm nay, các cấp, ngành chức năng đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp công trình. Việc hoàn thành công trình đập tràn xả lũ Ea Boa vào đầu tháng 9 này sẽ giúp người dân xã Ea Trang kịp thời ứng phó và hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra”. Qua tìm hiểu được biết, trên địa bàn huyện hiện có 60 công trình thủy lợi lớn, nhỏ, trong đó có 32 công trình đã xuống cấp, gây mất an toàn trong mùa mưa lũ. Trước tình hình đó, huyện đã và đang gấp rút triển khai xây dựng, sửa chữa một số công trình thủy lợi, hồ đập như: Công trình thủy lợi Ea Ksung (xã Cư Mta), Ea Mró (xã Krông Jin), Ea Má (xã Cư Mta); công trình hồ chứa nước Krông Á 2 (xã Krông Á), Cư K’róa (xã Cư K’róa); đập tràn xả lũ Ea Boa (xã Ea Trang), ngầm buôn Um (xã Krông Jin), ngầm thôn 7 (xã Cư Króa).
|
Ngầm buôn Phao (xã Cư Prao, huyện M’Drak) bị ngập lụt trong đợt mưa lũ năm 2010. |
Đến thời điểm này, ngoài những công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, số còn lại cũng đang được gấp rút triển khai thi công và phấn đấu hoàn thành kịp thời gian quy định. Ngoài việc tổ chức kiểm tra và có kế hoạch sửa chữa, tu bổ, nâng cấp các công trình thủy lợi, để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai (PCLB - GNTT), ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCLB - GNTT huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương kiện toàn, củng cố Ban Chỉ huy PCLB - GNTT các cấp; rà soát, xây dựng phương án PCLB - GNTT sát với tình hình thực tế; phân công nhiệm vụ phụ trách địa bàn cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời, Ban Chỉ huy PCLB - GNTT huyện phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị PCLB - GNTT của các xã, thị trấn, nhất là phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, vật tư, phương tiện cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, vật tư, hậu cần). Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức rà soát, kiểm tra và xác định được các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ lụt, sạt lở đất như: các Công trình thủy lợi Ea Mró, Ea Ktung, Ea Má; vùng dân cư khu vực cánh đồng buôn Mlốk A, cầu buôn Luếch, thôn 8 xã Krông Á, thôn 1 xã Ea Trang; ngầm tràn xã Krông Jin; cầu D 22 xã Ea Pil… Để ứng phó kịp thời khi mưa lũ xảy ra ở các địa bàn trọng điểm nói trên, huyện đã chuẩn bị 180 áo phao cứu sinh và áo ba đai, búa tạ, nhà bạt, các loại xe chuyên dụng, tổ chức phối hợp đồng bộ trong công tác ứng cứu, di chuyển người và tài sản nhằm hạn chế tối đa thiệt hại, tổn thất cho nhân dân. Tại các xã xung yếu đã xây dựng các tổ xung kích, cứu nạn, ban liên lạc, tuần tra canh gác thuộc lực lượng dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, phụ nữ… phục vụ ứng cứu dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ huy PCLB - GNTT xã. Không chỉ xây dựng kế hoạch PCLB - GNTT một cách cụ thể, UBND huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc đề cao cảnh giác, tránh chủ quan, lơ là khi mùa mưa bão đến. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền thanh huyện đảm bảo truyền thanh, phát thanh kịp thời, thường xuyên thông tin diễn biến tình hình bão, lụt và cảnh báo những khu vực xung yếu nguy hiểm để nhân dân chủ động di dời đến nơi an toàn, hướng dẫn nhân dân giằng chống nhà cửa, bảo vệ lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm.
Ông Phạm Ngọc Minh, Phó Ban Chỉ huy PCLB - GNTT huyện cho biết: với phương châm “chủ động phòng chống, ứng cứu kịp thời”, các thành viên trong Ban Chỉ huy PCLB - GNTT huyện luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên bám sát địa bàn đã được phân công để kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc kế hoạch PCLB. Ngoài việc tổ chức tập huấn PCLB, tìm kiếm cứu nạn, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCLB - GNTT huyện cũng yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình, mức độ nguy hiểm của lụt bão để có kế hoạch di dời các hộ dân ở những vùng xung yếu, thấp trũng, sạt lở; quan tâm đến công tác cứu đói, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và khắc phục hậu quả bão lụt. Đồng thời, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng chỉ đạo các trường học xây dựng phương án PCLB, phối hợp với UBND các xã, thị trấn đảm bảo an toàn cho học sinh khi có lụt bão bất ngờ xảy ra. Với việc triển khai các phương án PCBL trên, có thể nói, đến thời điểm này, huyện M’Drak đã sẵn sàng ứng phó với mưa lũ.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc