Multimedia Đọc Báo in

Ô nhiễm môi trường từ sản xuất, chăn nuôi

15:42, 13/11/2011

Hiện nay, ô nhiễm môi trường từ sản xuất, chăn nuôi đã trở thành vấn đề bức xúc. Một số nơi, các hộ trực tiếp xả chất thải vào đường ống dẫn thoát nước làm ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe và sản xuất của người dân.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân thôn 1 và thôn 2 xã Hòa Thắng, từ nhiều năm nay, người dân luôn phải sống trong cảnh hứng chịu ô nhiễm môi trường từ công trình đường ống dẫn nước thải Quốc lộ 27, đoạn qua thôn 1, 2 và 3 xã Hòa Thắng. Tại đây, những chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu vực như: sửa xe, quán ăn, nhà hàng, trang trại chăn nuôi, sản xuất bún, kem… đã xả vào đường ống thoát nước làm ảnh hưởng đến khu vực sinh sống và sản xuất của hàng chục hộ dân. Việc gánh chịu ô nhiễm từ mùi hôi thối và nước thải độc hại không những tác động đến sức khỏe con người, mà việc sản xuất chăn nuôi nhờ vào diện tích các hồ nuôi cá, cánh đồng lúa của họ từ nhiều năm nay cũng chịu nhiều tổn hại. Ông Đinh Công Quê (thôn 2) bức xúc nói: “Điểm cuối của đường ống thoát nước nằm trong khu vực cạnh nhà tôi, do đó, gia đình và nhiều hộ dân xung quanh đây đã phải sống trong cảnh ô nhiễm từ mùi hôi thối và nước thải chảy tràn vào nhà. Hiện tại, hồ nuôi cá của nhà ông đã bỏ hoang vì bị ô nhiễm quá nặng, còn khu vườn cũng để cây cỏ hoang mọc um tùm vì không thể trồng các loại cây hoa màu, cây ăn quả được. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh tình trạng này lên cấp trên nhưng vẫn chưa được giải quyết”. Cũng tương tự như hoàn cảnh gia đình ông Quê, trước đây, gia đình bà Hà Thị Thu Hồng (thôn 2) có 2 hồ nuôi cá với diện tích gần 1.000m2, tuy nhiên, hơn 2 năm nay hơn một nửa số diện tích hồ nuôi đã phải bỏ hoang vì nguồn nước bị ô nhiễm. Bà Hồng cho biết, mùa mưa năm 2009, hơn 3 tạ cá trong hồ nuôi của của gia đình đã bị chết trắng do nước thải từ đường ống thoát nước chảy tràn vào, đến bây giờ cũng đã bỏ hoang vì không thể nuôi cá được nữa. Diện ích nuôi cá bị thu hẹp, do đó, cuộc sống gia đình cũng gặp khó khăn hơn vì nguồn thu nhập không còn. Qua tìm hiểu, thôn 2 xã Hòa Thắng là khu vực tập trung phần lớn các hộ dân sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi cá và trồng lúa nước, do đó những tổn hại của họ từ nguồn nước thải ô nhiễm gây ra là một vấn đề bức xúc cần sớm được giải quyết.

Đường ống dẫn nước xả Quốc lộ 27 đã và đang gây ảnh hưởng đến đời sống hàng chục hộ dân thôn 1, 2 và 3 xã Hòa Thắng.
Đường ống dẫn nước xả Quốc lộ 27 đã và đang gây ảnh hưởng đến đời sống hàng chục hộ dân thôn 1, 2 và 3 xã Hòa Thắng.
Với cuộc sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, vì vậy bà con nơi đây luôn lo lắng trước tình trạng hiện nay. Không chỉ ảnh hưởng đến các hộ nuôi cá, mà nguồn nước ô nhiễm này còn ảnh hưởng đến cánh đồng lúa nước của người dân thôn 2. Cây lúa còi cọc, không phát triển đang là mối lo ngại của nhiều hộ dân. Anh Nguyễn Văn Phương chia sẻ: Ngày nào chúng tôi cũng phải xuống đồng để giặm lúa, bơm thuốc, rải phân nhưng với lượng nước thải gây mùi như vậy rất khó chịu. Nguồn nước bị ô nhiễm nặng đã làm ảnh hưởng lớn tới năng suất lúa của bà con. Nếu như trước đây, mỗi vụ chúng tôi chỉ cần trồng và chăm sóc trong khoảng 3 tháng thì thu hoạch được, nhưng nay phải kéo dài đến 4, 5 tháng. Đặc biệt, mùa mưa, không chỉ ruộng lúa bị ngập mà đường đi vào cũng bị ngập úng, ai cũng lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Mặc dù không phải chịu tổn hại từ sản xuất, chăn nuôi như các hộ dân thôn 2, người dân thôn 1 và thôn 3 cũng đang hằng ngày gánh chịu ô nhiễm từ mùi hôi thối ở các ống cống của đường ống thoát nước. Ông Đinh Công Súp (thôn 3) bày tỏ, nhà tôi suốt ngày phải đóng cửa vì mùi hôi thối của trang trại chăn nuôi heo ở bên cạnh trực tiếp đưa chất thải vào đường ống dẫn thoát nước. Không biết, chúng tôi còn phải chịu đựng đến bao lâu nữa. 

Trước thực trạng này, chính quyền địa phương và người dân đã nhiều lần phản ánh trong những đợt tiếp xúc cử tri, tuy nhiên vẫn chưa có hướng giải quyết thỏa đáng. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng sớm khắc phục công trình đường dẫn nước thải Quốc lộ ra khỏi phạm vi khu dân cư làm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, việc sản xuất, chăn nuôi và kinh doanh luôn tạo chất thải tác động ô nhiễm môi trường, cần có những cảnh báo về nguy cơ và hướng xử lý hợp vệ sinh, xây dựng các mô hình sản xuất sạch gắn với an toàn vệ sinh  thực phẩm và vệ sinh môi trường để tạo nên những sản phẩm sạch, đặc biệt không làm ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.

Thúy Hồng

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.