Multimedia Đọc Báo in

Hậu quả của biến đổi khí hậu

20:26, 18/02/2012

Các báo cáo của Liên hiệp quốc đã công bố rằng, trái đất ngày càng nóng lên. Nhiệt độ bề mặt trái đất tăng cao làm thay đổi chế độ thời tiết: hạn hán kéo dài; bão xảy ra với tần suất cao, cường độ mạnh; mưa nhiều trên diện rông với lưu lượng lớn gây lũ, lụt, sạt lở đất ở nhiều nơi; các khối băng ở vùng cực tan dần dẫn đến mực nước biển dâng cao; nhiều vùng đất thấp ven biển sẽ bị ngập dưới mực nước biển…

Hiện tượng đó gọi chung là sự nóng lên toàn cầu  hay còn gọi là biến đổi khí hậu (BĐKH). Nguyên nhân gây BĐKH là do nồng độ các khí nhà kính CO2, CH4, NOX, CFC trong khí quyển tăng lên. Nồng độ khí nhà kính trong khí quyển tăng lên là do gia tăng sự phát thải các khí đó. Các báo cáo của Liên hiệp quốc đã đưa ra nhận định: sự  gia tăng phát thải khí nhà kính vào khí quyển chủ yếu là do hoạt động kinh tế, xã hội của con người làm tăng nhiệt độ bề mặt trái đất. 
 
Hậu quả của biến đổi khí hậu
 
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn và cấp bách nhất đối với nhân loại. Margaret Chan, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát biểu: “Biến đổi khí hậu đã trở thành kẻ hủy diệt thứ 5 đối với sức khỏe con người”. Bà muốn nhấn mạnh rằng số người chết do BĐKH đang ngày càng tăng lên. Thảm họa thiên tai do BĐKH đã gây nên tai biến môi trường làm nghèo đói cuộc sống và cướp đi nhiều sinh mạng của một bộ phận dân cư trên qui mô toàn cầu. 
Sự biens đổi khí hậu đã gây nên tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới. (Ảnh minh họa)
Sự biens đổi khí hậu đã gây nên tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới. (Ảnh minh họa)

 Một trong những hậu quả hàng đầu của BĐKH là tác động lớn đến an ninh lương thực của nhiều quốc gia: Sản lượng lương thực giảm xuống đẩy nhiều người rơi vào cảnh đói nghèo, đe dọa sự phát triển cuộc sống bền vững. Trong vòng 20 năm qua, thế giới đã có 3 triệu người chết, 200 triệu người phải chịu hậu quả xấu do BĐKH; thiệt hại hằng năm ước tính lên tới 40 tỉ USD. Dự báo sau 50 năm tới, các thảm họa thiên tai do BĐKH gây ra sẽ tăng lên gấp 4 lần so với hiện nay; hậu quả sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 2 tỷ người. Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã đưa ra kết quả dự tính: Trong vòng vài chục năm tới, trung bình mỗi quốc gia phải chi khoảng từ 5% đến 20% GDP để giải quyết hậu quả do BĐKH gây ra. Ngoài ra, hậu quả của BĐKH đang là nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật, nhiều nguồn gen quí hiếm bị biến mất, phát sinh nhiều dịch bệnh mới ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thế giới đã đưa ra dự báo đến cuối thế kỷ XX, mực nước biển có thể dâng cao thêm 1 mét. Khi đó, số người bị ảnh hưởng xấu bởi thảm hoạ này sẽ tăng lên gấp ba lần so với hiện nay; đặc biệt tại một số cảng lớn của châu Á bị ảnh hưởng xấu nghiêm trọng; trong đó có cảng Hải Phòng và Sài Gòn của Việt Nam. 

 
Biến đổi khí hậu đang đẩy con người vào tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Cựu Tổng giám đốc UNESCO, ông Koichio Matsuura đã đưa ra nhận định: “Thiếu hụt nước là một đe dọa lớn nhất hiện nay đối với nhân loại”. Khắp nơi trên thế giới, việc cung cấp nước ngọt đã không đáp ứng được nhu cầu của con người, ngày càng thiếu hụt trầm trọng. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhu cầu nước ngọt của con người ngày càng tăng cao nhanh chóng, trong khi nguồn nước ngọt ngày càng bị cạn kiệt và phân bố không đồng đều. Theo tính toán của Tập đoàn Tư vấn Quốc tế, nếu dân số thế giới tăng thêm 35% vào năm 2025 thì khi đó nhu cầu về nước ngọt sẽ tăng tới 50% so với hiện nay .
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam
 
Theo công bố của các nhà khoa học trong Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu tại Copenhaghen (Đan Mạch), Việt Nam là một trong số 10 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của BĐKH. Điều đó được biểu hiện ở sự biến đổi thời tiết bất thường, gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với Việt Nam trong thời gian qua, nhất là những năm đầu của thế kỷ này. Những biểu hiện rõ nét nhất là mưa, bão gây lũ, lụt lớn bất thường ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, hạn hán kéo dài ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Các nhà khoa học dự đoán rằng hàng triệu người Việt Nam sẽ phải di cư vì BĐKH. 
Việt Nam đang chịu tác động của BĐKH từng ngày. Hằng năm, số lượng các cơn bão mạnh, những trận mưa lớn gây lũ, lụt trên diện rộng, các đợt hạn hán kéo dài tăng nhanh. Các thảm họa thiên tai đó đã cướp đi hàng trăm mạng người và gây tổn thất hàng chục triệu USD của Việt Nam. Theo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, chỉ tính từ 1994 - 2001 đã có 42 cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam, làm 3.919 người bị chết, 931.832 ha lúa bị hại, 6.562 tàu thuyền bị chìm, thiệt hại ước tính khoảng 14.695 tỷ đồng. 
 
Do diễn biến bất thường về chế độ dòng chảy kết hợp với suy giảm rừng đầu nguồn và rừng ngập mặn đã gây xói lở bờ sông và bờ biển ở nhiều khu vực. Ở hạ lưu sông Sài Gòn (khu vực Bình Quới, Thanh Đa – TP. Hồ Chí Minh), sông Tiền (khu vực Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre), sông Hậu (khu vực An Giang), sông Hồng (khu vực Hà Tây, Vĩnh Phúc) bờ sông bị xói lở nghiêm trọng. Xói lở bờ biển tại Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận (Nam Trung bộ), Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng (Đồng bằng sông Cửu Long); sạt lở đất ở các tỉnh miền núi Tây Bắc và Đông Bắc (Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang) gây tổn hại lớn về sinh mạng và tài sản của dân cư. 
 
Các giải pháp của Việt Nam trước sự gia tăng của BĐKH:
 
Trước những tác động của BĐKH ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội đất nước ở hiện tại và trong tương lai, Đảng và Nhà nước ta đã có những giải pháp để ứng phó với nó. Cụ thể về giải pháp chính sách: Xây dựng, bổ sung, sửa đổi chính sách, văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm hạn chế tác hại của BĐKH; tăng cường đầu tư nhà nước cho bảo vệ môi trường; chú trọng hỗ trợ các nhóm nhạy cảm với tác động BĐKH; hoàn thiện hệ thống tổ chức các cơ quan nghiên cứu về BĐKH và phòng, chống thiên tai; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế nhằm thực hiện có hiệu quả các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của mọi công dân về BĐKH. Về giải pháp kỹ thuật: Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật của hệ thống trạm quan trắc khí hậu; nâng cao chất lượng dự BĐKH và những tác động của nó; tăng cường công tác giám sát BĐKH; xúc tiến nhanh hơn việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; quy hoạch và đầu tư xây dựng lại các vùng sản xuất công - nông nghiệp thích nghi với BĐKH; nâng cấp phát triển hệ thống đê sông, biển; hạn chế thiệt hại do mưa, bão, lũ, lụt và sạt lở đất. 
 
Như vậy, BĐKH là thách thức lớn đối với tất cả mọi quốc gia trên toàn thế giới. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số 10 quốc gia gánh chịu hậu quả lớn nhất. Mỗi một công dân Việt Nam cần quán triệt và nhận thức sâu sắc về vấn đề BĐKH; từ đó cùng chung sức với các cộng đồng dân cư trên toàn thế giới kịp thời thích nghi, ứng phó có hiệu quả trước sự tác động của BĐKH nhằm bảo đảm điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững sự sống trên trái đất.
 
Nguyễn Thanh Điệp
                                                                                                                    (Khoa Hàng hải - Học viện Hải quân)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Ana nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế huyện Krông Ana đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở.