Bất cập ở công trình cấp nước Cư Pui (huyện Krông Bông)
Công trình cấp nước xã Cư Pui (huyện Krông Bông) do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường (TTNSH&VSMT) tỉnh làm chủ đầu tư, quản lý, vận hành khởi công xây dựng từ tháng 12 - 2007 với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng gồm các hạng mục: khu nhà quản lý, bể lắng, bể lọc, trên 24 km đường ống, đồng hồ… Đến tháng 5-2009, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, đến nay cung cấp nước ổn định cho 560 hộ (đạt 71% công suất thiết kế) thuộc 6 thôn, buôn trong xã.
Anh Y Đen Byă, nhân viên quản lý công trình cấp nước Cư Pui (huyện Krông Bông) kiểm tra hệ thống vận hành. |
Qua tìm hiểu được biết, do địa hình ở đây hầu hết là đất cát, dễ sụt lở nên rất khó đào giếng, việc thiếu nước diễn ra thường xuyên, nhất là vào mùa khô. Trước đây bà con phải hứng nước mưa để dành nấu ăn, uống còn việc tắm giặt dùng nước suối. Từ khi có công trình cấp nước tập trung, bà con rất phấn khởi vì đã có nguồn nước hợp vệ sinh sử dụng cho mọi sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian hoạt động, công trình đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo TTNSH&VSMT tỉnh, tình trạng nợ đọng tiền nước kéo dài bắt đầu ngay từ khi công trình đi vào hoạt động. Trong 2 năm 2010 và 2011, các hộ nợ 53 triệu tiền nước. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2012 số tiền nợ đã trên 10 triệu đồng, tập trung ở các buôn: Phung, K’Nung, B’Lak, Dak Tuôr. Không những vậy, theo thống kê chưa đầy đủ của nhân viên quản lý công trình, hiện có khoảng 80 hộ trên địa bàn xã tự ý cắt đường ống dẫn nước vào nhà sử dụng. Mặc dù đã nhiều lần Trung tâm và nhân viên quản lý công trình đến kiểm tra, nhắc nhở, thay đồng hồ mới nhưng rồi đâu lại vào đó. Chẳng hạn như các hộ H’Rưng Byă, Y Rít Kmăn (buôn B’Lak); Amaga (buôn Dak Tuôr); Y Tài Byă (buôn Phung). Khi nhân viên ban quản lý công trình bất ngờ đến kiểm tra thì hệ thống đồng hồ vẫn còn nhưng nhiều hộ không sử dụng mà tự cắt đường ống chính để đấu nối lấy nước sinh hoạt. Hỏi nguyên nhân của tình trạng trên, đa số các hộ đều bảo do người say rượu tông vào hoặc trâu, bò dẫm đạp lên làm gãy ống, hỏng đồng hồ. Vì không có hệ thống đồng hồ và van điều tiết nên nước cứ chảy tràn lan cả ngày lẫn đêm. Một số hộ còn xả nước ra cả ruộng để tưới hoa màu vào mùa khô khiến nhiều gia đình có đồng hồ ở khu vực cao như buôn Knung, buôn Khanh, buôn Khóa không có nước sử dụng.
Điều này không chỉ gây bức xúc trong nhân dân mà còn khó khăn trong công tác quản lý, ảnh hưởng tới tính bền vững của công trình. Anh Y Đen Byă, nhân viên quản lý công trình cho biết, công trình có công suất thiết kế cung cấp nước cho 789 hộ trên địa bàn xã nên trên đường ống chính chạy ngang các hộ, nhà thầu đã lắp đặt sẵn hệ thống ống chờ để tiện đấu nối đồng hồ. Biết được điều này, một số hộ đã tự ý cắt ra, lắp đặt đường ống âm dưới đất dẫn nước về dùng. Không những vậy, nhiều hộ có đồng hồ lại tự ý tháo ra, cắt ống đấu nối lấy nước sử dụng trực tiếp. Khi phát hiện tình trạng trên, ban quản lý công trình đã bịt những đường ống tự cắt, đấu nối lại đồng hồ và nhắc nhở các hộ vi phạm nhưng chỉ được một thời gian họ lại tháo ra”. Hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng trên, TTNSH&VSMT tỉnh cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã nhiều lần phối hợp với UBND xã, Ban tự quản các thôn, buôn tổ chức họp dân và trực tiếp tuyên truyền về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cũng như quy định xử phạt các hành vi vi phạm việc cấp thoát nước theo Nghị Định 23/2009 NĐ-CP ngày 27-2-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy nếu chỉ tuyên truyền thôi sẽ không đủ sức răn đe nên về lâu dài để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các hộ đã đóng tiền đấu nối đồng hồ, Trung tâm sẽ chỉ đạo nhân viên quản lý công trình tiến hành tháo dỡ hệ thống đường ống chờ để tập trung đấu nối và cấp nước cho những hộ có nhu cầu.
Nhiều hộ dân ở Cư Pui tự cắt ống lấy nước sử dụng không qua đồng hồ. |
Việc đầu tư xây dựng Công trình cấp nước Cư Pui là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống của người dân xã vùng III, bà con dân tộc thiểu số tại chỗ. Tuy nhiên, để công trình phát huy hiệu quả lâu dài, ngoài trách nhiệm của Trung tâm và Ban quản lý công trình thì chính mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn, bảo quản tài sản chung, đóng tiền sử dụng nước và chi phí đấu nối đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các quy định đề ra.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc