Multimedia Đọc Báo in

Hàng trăm hộ dân xã Ea Bar (Buôn Đôn) thiếu nước sạch

05:39, 02/10/2012

Từ nhiều năm nay, hơn 500 hộ dân ở các buôn Knia 1, Knia 2, Knia 3 và Knia 4 xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Đã từng có một số công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được triển khai nhưng không phát huy tác dụng khiến tình trạng “khát” nước ở đây vẫn chưa được giải quyết.

Chúng tôi đến xem “nguồn nước” mà bà con thường xuyên lấy về dùng đã chứng kiến hình ảnh nhiều người dân đang dùng can, chai nhựa “chắt” nước chảy ra từ mạch ngầm. Bà Hwai Hmok, Trưởng buôn Knia 2 phân trần: “Thiếu áo quần mặc đã khổ nhưng vẫn còn đỡ, thiếu nước để ăn uống, sinh hoạt thì không còn gì khổ hơn. Mấy đứa trẻ con, ngoài giờ đi học phải đi lấy nước về cho cả nhà dùng”. Đúng như lời bà, ở mạch nước ngầm có mấy em nhỏ đang cặm cụi xóc rửa dụng cụ để lấy nước. Mới 10 tuổi, nhưng bé H’Moai Hmok phải đi lấy nước hằng ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 10 chai nhựa. Nhà em có 8 người, bố mẹ tất bật với nương rẫy, không có xe đạp nên em phải đi bộ mấy trăm mét gùi nước về cho cả nhà. Nhìn hình ảnh cô bé lên mười ốm nhom cõng trên lưng gùi nước nặng trĩu, bước đi một cách nặng nề mới hiểu hết được nỗi khổ vì thiếu nước của người dân nơi này.

    Người dân buôn Knia 2 lấy nước mạch về dùng.
Người dân buôn Knia 2 lấy nước mạch về dùng.

Buôn Knia 2 có 176 hộ, 853 khẩu (100% là người đồng bào Êđê), tất cả người dân phải mua nước đóng chai để uống. Bà con phần lớn đã có giếng đào nhưng chỉ để tưới cà phê chứ không thể dùng để ăn uống, sinh hoạt vì nước bị ô nhiễm. Vào mùa khô, nước giếng cạn, mạch nước ngầm cũng chảy yếu hơn, tình trạng “khát” càng trở nên trầm trọng, một số hộ dân phải xin nước của hàng xóm về dùng. Người dân ở 3 buôn còn lại, với hơn 300 hộ cũng trong tình trạng tương tự khi phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng. Không có nước sạch, người dân các buôn Knia 1, Knia 2 và Knia 3 phải sử dụng “nước trời” chảy ra từ mạch ngầm dưới chân suối Ea Kmur. Còn bà con ở buôn Knia 4 phải đến khu vực Ea Hoanh để lấy nước. Nhưng nguồn nước này bây giờ cũng không còn dồi dào và sạch sẽ như xưa, nhất là vào mùa mưa. Chỉ vào bến nước cuối buôn cỏ mọc um tùm, bà Hwai Hmok than thở: “Trước đây rừng còn nguyên, nước mạch ngầm từ trên rừng chảy về mạnh và sạch lắm, bà con tha hồ lấy về ăn uống, sinh hoạt. Bây giờ người ta phá hết rừng để trồng lúa, nhiều phân bón, thuốc sâu nên nguồn nước đã bị ô nhiễm. Biết là không bảo đảm vệ sinh nhưng bà con vẫn phải lấy về dùng vì không thể… sống mà thiếu nước!”

Ông Trần Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Ea Bar cho biết: trước đây, xã, huyện đã đầu tư xây dựng một số giếng khoan trên địa bàn, nhưng không phát huy được hiệu quả, một số đã bị hư hỏng. Trong khi đó, các bến nước được xã đầu tư tu sửa lại vô tình làm tắc dòng chảy các mạch nước nên cũng không sử dụng được. Một tín hiệu vui với người dân nơi đây là Dự án xây dựng Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 4 buôn này đã bắt đầu được triển khai. Dự án có tổng số vốn trên 12,6 tỷ đồng do UBND huyện Buôn Đôn làm chủ đầu tư, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 11,4 tỷ đồng, số còn lại do người dân đóng góp. Theo kế hoạch, công trình này hoàn thành vào năm 2014, sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Người dân 4 buôn Knia đang mong chờ từng ngày công trình sẽ hoàn thành đúng kế hoạch để không còn phải sống trong cảnh khổ sở vì thiếu nước sạch. Tuy nhiên, khi mà dự án mới chỉ ở giai đoạn ban đầu thì người dân ở đây lại tiếp tục phải sống nhờ… nước trời.

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.