Nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên: SOS!
Biến đổi khí hậu, mất cân bằng sinh thái và quan trọng hơn là nạn khai thác, sử dụng nước bừa bãi... trên địa bàn Dak Lak hiện nay đã khiến nguồn nước ngầm cũng như nước mặt ở đây kiệt dần, không duy trì được yếu tố bền vững nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Không thể kiểm soát nổi
Thực tế cho thấy tốc độ phát triển của nền sản xuất nông nghiệp ở Dak Lak cũng như Tây Nguyên đang ngày một “phình to”, kéo theo nhu cầu sử dụng nguồn nước càng lớn đến mức đã mất khả năng kiểm soát. Ông Nguyễn Văn Tuyền - cán bộ Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên - Môi trường) cho rằng, lượng khai thác tài nguyên nước ngầm ở Dak Lak đã vượt mức an toàn. Thông số đánh giá việc khai thác, sử dụng nước ngầm ở mức cho phép trên địa bàn Dak Lak đưa ra từ những năm 2000 là khoảng 4-4,2 triệu m3/ngày, nay đã tăng lên rất nhiều. Đến nay, dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng qua đánh giá của các cơ quan chức năng có thể lên tới gần 6 triệu m3/ ngày, trong đó lượng nước ngầm được khai thác vào những tháng mùa khô chiếm khoảng 80%. Tình trạng này dẫn đến điều tất yếu là mực nước ngầm trên địa bàn tỉnh trong vài năm qua đã tụt giảm đáng kể. Con số đưa ra từ năm 1997 của Đoàn địa chất 704 cho thấy: tổng trữ lượng nước ngầm (ở trạng thái tĩnh, không có sự tác động bất thường của môi trường tự nhiên) tại Dak Lak là 120,9x 10 (lũy thừa 9) m3 đến nay “không đứng vững” được nữa! Nó thấp hơn rất nhiều, chỉ còn khoảng 1/3 so với trước. Ông Tuyền cho rằng, sự giàu nghèo tài nguyên nước ở đây phụ thuộc vào lượng mưa, vào thành phần vật chất của lớp phủ bề mặt và mức độ lưu giữ nước của thành tạo địa chất từng vùng. Nếu để mất đi (hay suy giảm) một hoặc nhiều yếu tố trên sẽ khiến tài nguyên nước nghèo đi. Biết thế, nhưng ở Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã để mất đi ngày càng nhiều yếu tố quan trọng và quyết định đó. Ngoài lượng mưa hàng năm có xu hướng ít đi, do mùa khô kéo dài, thì tình trạng mất rừng và sự thay đổi nhanh chóng của lớp phủ bề mặt trên thành tạo địa chất, mà cụ thể là trên đất (vì mục đích quy hoạch để trồng hoa màu, cây công nghiệp và nhiều dự án nông - lâm nghiệp khác) đã làm cho mực nước ngầm tụt giảm trung bình từ 3-5 m. Qua khảo sát cho thấy một số vùng như Krông Pak, Lak, Krông Buk và vùng phía Đông Buôn Ma Thuột … mực nước ngầm tiềm năng không còn nhiều như 5 năm trước. Ví dụ vùng Krông Pak, Lak… năm 2004-2005 có thể khai thác tối đa 0,4-0,6 triệu m3/ngày, thì nay còn chưa đầy 400 nghìn m3/ngày.
Nông dân ở huyện Cư M'gar đào giếng tìm mạch nước để chống hạn. |
Điều đó cũng dễ thấy qua hoạt động sản xuất của nhiều nông hộ trồng cà phê ở đây. Chị Trương Thị Hà, ông Y Briu Ê Nuôl ở Krông Buk cho biết, trước đây họ đào một cái giếng (sâu từ 25-30 m) là có thể tưới 2-3 ha cà phê trong vòng 10 giờ liên tục, bây giờ chỉ tưới được 1 ha là kiệt nước, phải chờ nhiều giờ sau đó mới có nước hồi phục. Như vậy, rõ ràng các địa phương ở Dak Lak nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung đã đến lúc phải chủ động hơn trong việc quy hoạch, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước đang trở nên khan hiếm như hiện nay mới có thể bảo đảm cho việc phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững trong những năm tiếp theo. Nếu không, sự mất cân bằng và ngày càng không bảo đảm yếu tố bền vững trong việc tìm kiếm, sử dụng nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở đây trở nên khó khăn và nóng bỏng thêm.
Hướng đến sự bền vững và hài hòa
Mới đây, trong báo cáo đánh giá việc sử dụng hợp lý nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên của một nhóm nhà khoa học (thuộc Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội) trình Chính phủ đã chỉ ra những yếu tố được coi là không bền vững của tài nguyên nước ở đây trên hai phương diện sau: Thứ nhất là tài nguyên nước mặt (chỉ xét đến lượng nước hiện hữu trên các sông suối điển hình như Sê San, Sêrêpôk, sông Ba và Đồng Nai) đã kiệt dần từ lưu lượng 173.863,54 lít/giây của những năm 2004-2005 xuống còn khoảng 127.000 lít/giây hiện nay. Thứ hai là sự phân bổ không đồng đều của lượng mưa theo không gian và thời gian. Nơi có lượng mưa hằng năm lớn hơn 3000 mm như Kon Plông (Kon Tum), thượng nguồn sông Hinh (Dak Lak) và nơi có lượng mưa chỉ trên dưới 1.500 mm như Krông Buk, Ea Súp… thì sự chênh lệch lưu lượng nước ở đỉnh lũ lớn nhất với lưu lượng kiệt nhỏ nhất là rất cao! Các nhà khoa học cũng lưu ý thêm, những năm gần đây rừng Tây Nguyên bị chặt phá nặng nề, cộng với những yếu tố bất lợi như mùa khô kéo dài, sự biến đổi thất thường của khí hậu đã làm cho lũ lụt, hạn hán trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, Tây Nguyên là nơi thượng nguồn của 3 hệ thống sông lớn (Sêrêpôk - Sê San nằm ở phía Tây Bắc và sông Đồng Nai ở phía Nam) được người dân tận lực khai thác nước ngầm ngay tại đầu nguồn để tưới cà phê, hoa màu khiến mực nước dưới lòng đất không ngừng bị hạ thấp, dẫn đến quá trình sản xuất tại các vùng hạ lưu gặp khó khăn do thiếu nước. Hơn thế, vấn đề đáng quan ngại nhất hiện nay là có quá nhiều công trình trình thủy điện được quy hoạch và xây dựng trên các hệ thống sông này đã nảy sinh “mâu thuẫn” ngày càng gay gắt thêm giữa việc trồng cây công nghiệp, đồng thời khai thác và phát triển quá “nóng” nguồn năng lượng tại thượng nguồn với việc xây dựng, phát triển các khu dân cư và đô thị ở hạ nguồn. Từ những yếu tố không bền vững, thậm chí là đáng báo động ấy, thiết nghĩ các tỉnh ở Tây Nguyên phải sớm có quy hoạch sử dụng tài nguyên nước một cách đồng bộ, hợp lý hơn để bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong hiện tại và tương lai. Nhanh chóng chấm dứt tình trạng khai thác nguồn tài nguyên nước một cách vô tổ chức, “mạnh ai nấy được” như hiện nay nhằm chia sẻ và cân đối hài hòa lợi ích từ vốn tài nguyên quý giá, quan trọng này.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc