Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam đối mặt với tình trạng suy kiệt và ô nhiễm nước mặt

16:50, 23/04/2013

Theo báo cáo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguồn nước mặt ở Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức, trong đó đáng quan tâm nhất là tình trạng suy kiệt và ô nhiễm trên diện rộng. Các hồ, ao, kênh, mương trong các thành phố đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, vượt quá mức quy chuẩn cho phép.

a
Khai thác thủy sản trên sông Krông Ana. Ảnh minh họa: T.H

Theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về tài nguyên nước, ngưỡng khai thác được phép giới hạn trong phạm vi 30% lượng dòng chảy, nhưng trên thực tế hiện nay, hầu hết các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã và đang khai thác trên 50% lượng dòng chảy. Việc khai thác nguồn nước quá mức đã làm suy thoái nghiêm trọng về số lượng và chất lượng tài nguyên nước, trên các lưu vực sông lớn như sông Hồng, Thái Bình và sông Đồng Nai. Bên cạnh đó, nhiều nơi sông, hồ… đã biến thành nơi chứa chất thải. Các đoạn sông chảy qua khu đô thị, khu vực sản xuất công nghiệp, khai khoáng đã bị ô nhiễm, nhiều chất ô nhiễm trong nước có độ vượt quá quy chuẩn cho phép từ 1,5 đến 3 lần.

Tình trạng nhiều khu công nghiệp, nhà máy, khu đô thị xả nước thải chưa qua xử lý xuống hệ thống sông hồ đã và đang gây ô nhiễm nguồn nước mặt trên diện rộng, dẫn đến nhiều vùng có nước nhưng không sử dụng được. Đặc biệt, nước thải từ hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp và khu công nghiệp, đang là nguồn gây áp lực lớn nhất đến môi trường nước mặt lục địa. Mặt khác, phần lớn các đô thị hiện nay đều chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, nên tỷ lệ nước thải đã qua xử lý đạt tỷ lệ rất thấp. Cộng thêm nước thải sinh hoạt trong các khu dân cư, các khu du lịch và nước thải của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp xả thẳng vào sông hồ, là những nguyên nhân chính đã và đang làm gia tăng ô nhiễm hệ thống các thủy vực nội đô và ven đô ở Việt Nam.

Để cứu nguy cho nguồn nước mặt đang bị suy kiệt và ô nhiễm, nhiều chuyên gia nghiên cứu về môi trường nước cho rằng cần phải lập hành lang bảo vệ nước, gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi; hồ tự nhiên, nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư; hồ, ao lớn có chức năng điều hòa; đầm, đầm phá; sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước, trục tiêu nước hoặc có tầm quan trọng… Tại các tỉnh, UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm cắm mốc chỉ giới và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. UBND cấp tỉnh sẽ xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trong phạm vi địa phương theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng các nguồn nước trên địa bàn. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện, cấp xã cũng cần thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương.

T.H (Tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.