Nhận định xu thế thời tiết, thủy văn trong mùa mưa lũ năm 2013 ở Tây Nguyên
Theo dự báo, năm nay sẽ có khoảng từ 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Một nửa trong số đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và đó cũng là số cơn bão, áp thấp nhiệt đới có tác động đến tình hình thời tiết, thủy văn của các tỉnh Tây Nguyên, tập trung trong thời kỳ từ tháng 7-11 với mức độ ảnh hưởng chủ yếu là gây các đợt mưa vừa, mưa to hoặc rất to trên diện rộng sinh lũ, lụt, lũ quét và sạt lở đất.
Mùa mưa năm 2013 ở Tây Nguyên có khả năng bắt đầu sớm hơn quy luật nhiều năm ở hầu hết các vùng; riêng các vùng nằm về phía sườn Đông của dãy Trường Sơn mùa mưa bắt đầu muộn hơn từ 20 ngày đến 1,5 tháng. Lượng mưa tháng trong các tháng đầu mùa mưa ở các vùng được dự báo có khả năng đạt cao hơn trung bình nhiều năm; phổ biến từ 250 – 400mm/ tháng, có nơi > 400mm. Tổng lượng mưa trong toàn mùa mưa cũng có xu thế đạt cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ và cao hơn so với mùa mưa năm 2012.
Tháp báo lũ, một trong những công cụ hỗ trợ công tác theo dõi diễn biến mưa, lũ để chủ động triển khai ứng phó. |
Trong tháng 5 khả năng xảy ra một số trận mưa có cường độ mạnh là lượng lớn; lượng mưa có thể đạt từ 70 đến lớn hơn 100mm/trận, kéo dài trong khoảng vài ba giờ, đồng thời trong các trận mưa dông này rất dễ kèm theo sấm sét mạnh, gió xoáy và mưa đá nguy hiểm; thậm chí còn có thể gây lũ ống, lũ quét ở các khe suối nhỏ và ngập úng ở các đô thị.
Các tháng giữa và cuối mùa mưa (tháng 8 – 11) khả năng xảy ra từ 4 – 7 đợt mưa to trên diện rộng với số ngày mưa liên tục từ 2 – 3 ngày và tổng lượng mưa đạt từ 150 – 350mm/đợt (riêng vùng thượng nguồn các lưu vực sông lượng mưa có thể đạt lớn hơn 350mm/đợt). Đây là những đợt mưa có nguy cơ gây ra các trận lũ lớn trên các sông, suối; ngập lụt ở vùng trũng thấp, vùng ven sông. Mưa to kéo dài cũng là nguyên nhân gây lũ quét và sạt lở đất ở các suối nhỏ, vùng đất dốc xung yếu.
Nhiệt độ tiếp tục xu thế tăng và có nắng nóng cho đến đầu tháng 5; giảm dần hoặc ít thay đổi trong các tháng tiếp theo của mùa mưa. Nhiệt độ trung bình các tháng phổ biến đạt xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm.
Đi kèm với mùa mưa là mùa lũ trên các sông suối ở Tây Nguyên. Theo quy luật nhiều năm, từ tháng 5, khi mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ được thiết lập, dòng chảy sông suối trong khu vực bắt đầu được bổ sung nguồn nước nên có biến động đáng kể và tăng dần. Tuy nhiên, mùa lũ chỉ thực sự khởi động từ tháng 7 (riêng một số sông, suối ở các vùng phía Đông mùa lũ bắt đầu vào cuối tháng 8). Năm nay, mùa mưa đến sớm nên từ cuối tháng 4 mực nước trên các sông có dao động nhưng vẫn duy trì ở mức thấp. Thời kỳ mùa cạn sẽ còn kéo dài đến tháng 6 với mực nước trung bình tháng đạt thấp hơn mực nước trung bình năm; lưu lượng nước duy trì ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10 – 40% trong tháng 4 và thấp hơn từ 5 – 25% trong tháng 5. Cuối tháng 5 có khả năng xuất hiện một vài trận lũ sớm, biên độ lũ đạt từ 1,00 – 1,50 m, nhưng thời gian lũ khá ngắn, chỉ có thể kéo dài từ 12 giờ đến khoảng một ngày.
Mùa lũ năm 2013, ở Tây Nguyên được dự báo sẽ đến sớm, lũ nhiều và mực nước đỉnh lũ đạt mức cao. Từ giữa tháng 6, mực nước có dao động đáng kể, tăng dần và chuyển dần sang thời kỳ mùa lũ; trên một số sông, suối khả năng xuất hiện đợt lũ đầu mùa với mùa lũ chính trên hầu hết các sông, suối bắt đầu từ tháng 7, kéo dài đến tháng 11. Năm nay sẽ có từ 5 – 7 đợt lũ, trong đó có từ 2 – 4 đợt lũ trung bình và lớn (có mực nước đỉnh lũ đạt mức báo động cấp 2 trở lên), tập trung xuất hiện trong thời kỳ từ tháng 8-10 đối với lưu vực sông Đồng Nai, Sêrêpôk và từ tháng 9-11 trên lưu vực sông Sê San, sông Ba. Mực nước đỉnh lũ lớn nhất năm của năm 2013 có khả năng xuất hiện trong thời kỳ từ tháng 9-11 với mực nước lớn nhất trên các sông chính đạt cao hơn mức báo động cấp 3 từ 0,50 – 1,50 m, có nơi lớn hơn 1,50 m.
Như vậy, trong mùa lũ năm nay, trên cả 4 hệ thống sông chính ở Tây Nguyên là sông Sê San, sông Sêrêpôk, sông Ba và sông Đồng Nai thượng đều có nguy cơ xuất hiện lũ lớn đến rất lớn. Các mô hình tính toán dự báo thủy văn cho kết quả mực nước đỉnh lũ trên các sông chính có khả năng đạt vượt mức báo động cấp 3, đồng nghĩa với nhiều vùng ven sông có thể chịu ảnh hưởng ngập sâu trong nước và lũ lụt có thể trở nên thiên tai rất tồi tệ nếu không có sự chủ động phòng chống. Đi kèm với mưa lũ lớn trên các sông, các thiên tai đặc biệt nguy hiểm khác như lũ quét và sạt lở đất có xu hướng xuất hiện nhiều mà nguyên nhân là do sự tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu toàn cầu kết hợp với các hoạt động làm thu hẹp diện tích và giảm độ che phủ của thảm thực vật rừng cũng như các hoạt động san ủi, xây dựng làm thay lớn đổi diện mạo và kết cấu của đất…
Nguyễn Văn Huy (Trung tâm KTTV tỉnh Kon Tum)
Ý kiến bạn đọc