Thị xã Buôn Hồ với nỗ lực bảo vệ môi trường
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, những năm gần đây thị xã Buôn Hồ có nhiều giải pháp, mô hình thu gom, xử lý rác thải đạt hiệu quả và bước đầu đã có những cải thiện rõ rệt.
Các con đường ở buôn Trinh 2 (phường An Lạc) không còn tình trạng rác thải bừa bãi như trước đây. |
Những chuyển biến tích cực
Những năm về trước, do còn nhiều tập quán lạc hậu, điều kiện kinh tế kém phát triển nên vấn đề vệ sinh môi trường trong khu vực các buôn Trinh 1, 2 và 3 (phường An Lạc) chưa được quan tâm. Trong chăn nuôi, nhiều hộ dân vẫn nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn nhà và thả rông. Không những thế, phần lớn các hộ gia đình không có nhà vệ sinh, ý thức thu gom và xử lý rác thải hạn chế đã ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, từ khi UBMTTQ Việt Nam tỉnh chọn buôn Trinh 2 để triển khai mô hình điểm Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường (BVMT) đã tạo nhiều hiệu ứng tích cực. Theo đó, người dân trong buôn đều đồng thuận, thống nhất cam kết thực hiện các nội dung BVMT ở khu dân cư. Các tổ BVMT trong buôn cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các gia đình nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh trong nhà và nơi công cộng. Sau khi mô hình điểm ở buôn Trinh 2 thực hiện có hiệu quả, các buôn còn lại đều áp dụng mô hình khu dân cư tự quản BVMT. Cũng nhờ đó, hễ thấy đoạn đường nào trong buôn bị ô nhiễm, người dân đều tự giác tham gia dọn dẹp để đường làng, ngõ xóm luôn sạch – đẹp mà không chờ nhắc nhở, đôn đốc. Điều này chứng tỏ, nhận thức của bà con có sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả mô hình Khu dân cư tự quản BVMT. Chị H’Loan M’lô (buôn Trinh 2) phấn khởi nói: Trước đây, nhận thức về công tác BVMT của bà con đồng bào còn hạn chế, nuôi heo, bò thường thả rông, nhưng bây giờ ai cũng ý thức hơn, nhà nào chăn nuôi cũng xây dựng chuồng trại, biết thu gom rác thải để xử lý; hộ nào cũng có nhà tắm, nhà vệ sinh sạch sẽ”.
Cán bộ phường An Lạc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. |
Thời gian gần đây, trên tuyến Quốc lộ 14 (đoạn đi qua thị xã Buôn Hồ) tình trạng những bãi rác tự phát ven đường gây ô nhiễm môi trường cơ bản được dọn dẹp bốc dỡ. Để có được kết quả này, chính quyền địa phương đã nỗ lực trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Công ty Quản lý đô thị và Môi trường thị xã tổ chức thu gom, xử lý rác thải của các hộ dân sống hai bên ven đường và các khu vực công cộng. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều lớp tập huấn, phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, trường học và đông đảo người dân trên địa bàn ra quân làm sạch - xanh môi trường. Đồng thời, gắn công tác này với việc triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, từ đó các mô hình tự quản BVMT ngày càng nhân rộng và phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, xác định việc tuyên truyền phù hợp sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận, nhận thức và hành động đúng đắn hơn về công tác BVMT, các cấp chính quyền địa phương đã thường xuyên phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, giáo dục nâng cao nhận thức thông qua nhiều hình thức như: loa phát thanh, họp thôn, buôn, tổ dân phố; vận động nhân dân xây dựng hương ước BVMT trong cộng đồng dân cư; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hộ sản xuất, kinh doanh, nhất là các hộ chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường…
Còn nhiều bất cập
Dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng công tác BVMT ở thị xã Buôn Hồ vẫn còn những hạn chế. Trước hết là vấn đề kinh phí và cũng như nguồn nhân lực. Hiện nay, Công ty Quản lý đô thị và Môi trường thị xã chỉ mới thu gom chưa đến 50% lượng rác thải trên địa bàn các xã, phường, riêng tại các xã phường đã hợp đồng xử lý chỉ đạt khoảng 80%. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường An Lạc cho biết: “Là một đơn vị đóng ngay trung tâm thị xã, nhưng hiện nay cả phường vẫn còn 3 tổ dân phố xe chưa vào thu gom rác. Do đó, người dân ở các điểm này phải tự xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt không bảo đảm vệ sinh môi trường”. Không chỉ ở địa bàn phường An Lạc, mà còn nhiều xã, phường khác chưa được đơn vị tổ chức thu gom rác thải, mặc dù người dân đều nhất trí, đồng thuận đóng tiền lệ phí. Trao đổi về thực trạng này, chị Nguyễn Kim Hoàng Ân, chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Buôn Hồ chia sẻ: “Do thiếu kinh phí nên việc thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Với số tiền thu lệ phí vệ sinh môi trường của người dân không đủ để trả chi phí nên UBND thị xã đã có chính sách hỗ trợ, cấp bù để Công ty tiếp tục công việc thu gom rác thải tại địa phương. Tuy vậy, kinh phí vẫn không đủ để bảo đảm thu gom tại các xã, phường”.
Không chỉ thế, một bộ phận người dân hiện vẫn thiếu ý thức trong quá trình thu gom, xử lý rác thải ở khu dân cư. Thay vì đốt hoặc chôn lấp họ lại thản nhiên mang những túi rác đến vứt trên các quãng đường, sông, suối… vắng người qua lại. Điều này dần tạo nên những bãi rác tự phát gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người. Chính vì thế, để BVMT cần thiết phải có sự phối hợp giữa chính quyền và cộng đồng. Trong đó, chính quyền đầu tư kinh phí, cơ sở hạ tầng còn cộng đồng phải là nhân tố bảo vệ, phát huy, gìn giữ. Có như vậy chất lượng môi trường mới được cải thiện và phát triển bền vững, lâu dài.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc