Bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Yok Đôn: Những thách thức (Kỳ II)
Kỳ II: Những tiếng nói khẩn thiết!
Trước tình trạng khai thác thiếu khoa học, sự đa dạng sinh học ở VQG Yok Đôn đang bị suy thoái nghiêm trọng dẫn đến việc mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của trái đất. Do đó, việc khôi phục, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, sự đa dạng loài để bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn sự diệt vong của các loài động thực vật quý hiếm là một việc làm cấp bách.
Những hệ lụy
Theo số thống kê của cơ quan chức năng, trong 9 tháng đầu năm 2013 VQG Yok Đôn đã phát hiện và xử lý 27 vụ khai thác gỗ trái phép; 378 vụ vận chuyển, mua bán, cất giữ gỗ; 7 vụ săn bắn, bẫy, bắt động vật hoang dã… Do bị săn, bắn và khai thác theo kiểu tận diệt, hệ sinh thái ở VQG Yok Đôn đang ngày càng giảm dần và nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng. Cụ thể một số loài động vật có tên trong Sách đỏ thế giới đã từng xuất hiện ở Yok Đôn đến nay đã vắng bóng như bò xám, bò tót, trâu rừng, sói đỏ… Số lượng voi cũng dần ít đi, theo số liệu của Trung tâm Bảo tồn voi Dak Lak, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn khoảng 80 đến 110 con voi rừng (giảm từ 440 - 470 con so với năm 1980). Riêng năm 2009 đến nay, đã có 17 con voi rừng bị chết do nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều con bị bắn, bẫy chết để lấy ngà. Sở dĩ có tình trạng này là do nạn săn bắn trái phép động vật hoang dã đang tiếp diễn ngày một tinh vi hơn trong khi chế tài xử lý không đủ mạnh. Đơn cử như quy định đối tượng nào săn bắt vận chuyển trái phép động vật hoang dã thông thường có giá trị 7,5 triệu đồng trở lên, động vật hoang dã nhóm IIB có giá trị 5 triệu đồng trở lên thì chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng đã là động vật quý hiếm thì rất khó có cơ sở để định giá...
Có thể khẳng định, cơ chế xử lý chưa phù hợp, cùng sự thiếu kiểm soát chặt trong quản lý, bảo vệ đang là những nguyên nhân chính dẫn đến việc động vật hoang dã bị suy giảm như hiện nay. Song song với đó, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, nguồn thức ăn cũng khó khăn hơn nên tình trạng voi rừng kéo về nương rẫy của người dân kiếm ăn dẫn đến phá hoại hoa màu, cây trồng, nhà cửa liên tục tái diễn trên địa bàn huyện Ea Súp và Buôn Đôn. Trước đây, nhắc đến Tây Nguyên, người ta thường nghĩ ngay đến những cánh rừng đại ngàn hoang vu và huyền bí, thế nhưng, gỗ rừng - một thứ “vàng” quý giá do bị lâm tặc tận thu, khai thác vô tội vạ khiến nhiều cánh rừng bạt ngàn trở nên trơ trụi. Một khi cạn kiệt những cây gỗ cổ thụ, lâm tặc chuyển sang khai thác cả cây gỗ non, cây thân nhỏ. Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT) Đỗ Trọng Kim thì tình trạng phá rừng ở VQG Yok Đôn đã đến mức báo động đỏ!
Thú “chơi ngông” từ cây cảnh, động vật rừng quý hiếm; những bữa nhậu xa xỉ với các sản vật rừng “đặc biệt” của các đại gia; nạn phá rừng khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp, thủy điện… là những tác nhân hủy hoại môi trường sinh thái ở VQG Yok Đôn; gây ô nhiễm môi trường, làm mất cân bằng hệ sinh thái, dẫn đến sự biến đổi khí hậu bất thường, bão lụt, lở đất...
Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh (người đứng ngoài cùng bên phải) tham quan, khảo sát hệ sinh thái rừng khộp ở Vườn Quốc gia Yok Đôn |
Nan giải bài toán bảo tồn đa dạng sinh học
Trong chuyến đi thực tế, khảo sát sự đa dạng sinh học ở VQG Yok Đôn mới đây, chứng kiến cảnh người dân vào rừng khai thác các loại cây thuốc quý một cách tràn lan, thiếu khoa học và có nguy cơ tận diệt, Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Ban chấp hành TW Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam bày tỏ: “Để bảo tồn những loài cây dược liệu trong vùng đệm VQG Yok Đôn, bên cạnh việc nghiêm ngặt bảo vệ rừng, giúp đỡ, giao đất để bà con trong vùng định canh định cư ổn định địa bàn canh tác, chúng ta phải hướng dẫn vận động họ thu, hái một cách khoa học. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện giúp người dân trồng và nhân rộng các loài cây thuốc tại gia đình, ven rừng để bảo đảm cho cây tái sinh, sinh trưởng, phát triển tốt, giữ gìn nguồn tài nguyên quý giá này. Địa phương cũng cần có kế hoạch khai thác, bảo vệ, nhân nuôi để phát triển thành nơi cung cấp nguồn dược liệu, hương liệu cho cả nước và xuất khẩu, đồng thời cải thiện đời sống cho bà con nông dân”.
Tại Hội thảo Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học tổ chức ở TP. Buôn Ma Thuột vào tháng 10-2013, các đại biểu tham dự đã tập trung vào vấn đề khẩn thiết cứu lấy hệ sinh thái rừng khộp ở Tây Nguyên. Trao đổi về thực trạng rừng khộp đang bị khai thác không hợp lý và thiếu khoa học làm giảm diện tích và đa dạng sinh học; đồng thời khiến không ít các loài đặc hữu quý hiếm như: heo vòi, bò xám… dần biến mất, các đại biểu cho rằng phải áp dụng các biện pháp đồng bộ để ngăn chặn kịp thời những hoạt động có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái rừng khộp. Tiến sĩ Vũ Văn Dũng (Viện Điều tra và quy hoạch rừng) nói: “Bảo vệ được VQG Yok Đôn là bảo vệ được hệ sinh thái rừng khộp của Đông Nam Á và Việt Nam. Muốn làm tốt chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân ở vành đai rừng để họ yên tâm sinh sống và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về vai trò và lợi ích của rừng. Bên cạnh đó, phải có quy định chặt chẽ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để làm gương cho mọi người”.
Nhiều đại biểu kiến nghị cần “đóng cửa” rừng khộp, đồng thời ban hành một văn bản riêng về bảo vệ hệ sinh thái rừng khộp Tây Nguyên; xây dựng một số trạm cứu hộ động vật trên địa bàn tỉnh; nhân rộng mô hình chăn nuôi động vật hoang dã dưới tán rừng, khu nhân giống các loài cây quý hiếm bản địa... nếu thực hiện được thì hệ sinh thái rừng khộp ở VQG Yok Đôn sẽ được bảo tồn. Theo nhận định của Phó Chủ tịch tỉnh Đinh Văn Khiết: “Mất hệ sinh thái rừng khộp – kiểu rừng thưa lá rộng, sẽ không còn là Tây Nguyên”. Chính vì thế, việc bảo vệ, bảo tồn rừng khộp trước áp lực phát triển kinh tế, xã hội hiện nay càng trở nên thách thức không chỉ đối với các cơ quan chức năng, nhà khoa học mà còn là vấn đề của toàn xã hội bởi sự đa dạng sinh học này là tài nguyên vô giá của Việt Nam. Do vậy, việc tăng cường công tác bảo tồn tại Yok Đôn là một nhiệm vụ vô cùng cấp bách, là bài toán cần sớm có lời giải!
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc