Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối tình trạng khai thác đá màu trái phép ở Krông Năng

10:07, 24/12/2013

Nằm cách trung tâm thị trấn Krông Năng hơn 30 km, suốt mấy tháng nay, tiểu khu 300 thuộc địa phận xã Cư Klông “mất ngủ” vì hàng trăm lượt người ở khắp nơi từ trong nam, ngoài bắc đổ xô vào rừng tìm đá màu (đá saphia)…

Dắt díu nhau vào rừng tìm đá

Nằm ngay bìa rừng của tiểu khu 300, khu vực cây đa, không còn có thể nhận ra đây là dòng suối. Hàng chục hố đất được khoét, đào bới sâu 2-3 m nằm san sát nhau, kéo dài khoảng 100m dọc hai bên bờ suối. Mấy cái sàng, vài chiếc xô nằm chỏng gọng. Ấy là hiện trường để lại của một đội quân đi khai thác đá màu vừa được lực lượng chức năng truy quét.

Đãi đất tìm... đá màu.
Đãi đất tìm... đá màu.

Vào sâu trong vùng lõi của tiểu khu này, cách địa điểm cây đa chừng 30 phút đường bộ, một “công trường” khá “hoành tráng” giữa rừng. Khoảng 50 người đang hì hục đào, bới những lớp đất nằm sâu giữa các khe đá dọc con suối. Không mấy ai nói chuyện với nhau, âm thanh nghe rõ nhất trong công trường này là tiếng sàng, đãi đất sỏi, tìm đá quý. Sau mỗi mẻ đãi, các đối tượng dùng tay bới tìm đá màu trong chiếc sàng lỏn nhỏn sỏi. Cả một khoảng rừng rộng đến vài héc-ta, cây rừng đổ ngổn ngang, đất đá bị cày xới, lộn tung. Dòng suối như khúc ruột bị cắt làm đôi, nước đục ngầu. Cách không xa là một chiếc lều được dựng lên thô sơ bằng vài chiếc cọc và một tấm nilông trắng. Nửa bao gạo, vài chai nước mắm, bịch cá khô và mấy củ su hào nằm lăn lóc dưới đất. Ấy là nơi ăn ở của đội quân tìm đá ở đây. Một người đàn ông tên là Trần Văn Huấn không kịp chạy đi khi lực lượng chức năng ập tới đã cho biết: Anh ta quê gốc ở tận Ninh Bình, vào Gia Lai hái thuê cà phê. Xong vụ thu hoạch, định khăn gói về quê thì nghe người ta đồn nhau ở Krông Năng có nhiều đá màu nên cũng đánh liều đi, định kiếm thêm được chút ít rồi về luôn. Đã hơn 10 ngày dầm sương, dãi gió rừng, gạo đã gần hết mà anh cũng chưa tìm được gì. Cũng theo lời người đàn ông này thì tại bãi khai thác ở vùng lõi tiểu khu 300 có vài ba nhóm cùng khai thác, đến từ khắp nơi và đủ các độ tuổi từ 17, 18 đến ngoài 60 tuổi. Cứ người nọ nghe thông tin rồi rủ người thân, anh em chứ thực tình tìm kiếm vất vả nhưng cũng chẳng được gì, họa hoằn lắm mới có người tìm thấy mảnh đá nhỏ xíu màu xanh, đỏ hoặc vàng.

  Cây rừng bị  chặt hạ ngổn ngang.
Cây rừng bị chặt hạ ngổn ngang.

Kỳ cựu nhất ở bãi khai thác này là hai anh em ở Khánh Hòa (xin giấu tên). Họ làm nghề buôn bán đồng nát, nghe thông tin ở Cư Klông có đá saphia nên cũng liều đi một chuyến, mong may mắn có cơ hội đổi đời. Nhưng đã một tháng dầm dề trong rừng cũng chưa thu hoạch được gì. Ăn uống thì kham khổ, tắm giặt không có nước vì mạch nước ngầm có được phải dùng tiết kiệm để nấu nướng. Khoảng 5 giờ, 6 giờ ở đây trời đã tối mù mịt, sương rơi như mưa và bắt đầu phải chống chọi với cái lạnh thấu xương thấu thịt của rừng. Biết khổ nhưng đã đâm lao thì phải theo lao, cất công, lặn lội từ xa đến, họ đành cố ở thêm chờ may rủi. Nhưng gạo thì đã hết, họ cũng tính đường về sớm. Hai anh em người Khánh Hòa này thở dài nhìn nhau: “Đúng là khổ vì tin đồn!”.

Chỉ là tin đồn

Thông tin tiểu khu 300, xã Cư Klông, huyện Krông Năng có đá quý rộ lên từ khoảng tháng 9 năm nay. Anh Phùng Văn Duyên, một người dân đã làm rẫy ở gần địa bàn này cho biết: Đây là vùng xa trung tâm huyện, dân cư thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn. Anh đã dựng nhà làm rẫy 10 năm nay, chưa bao giờ nghe nói ở đây có đá quý. Nhưng thời gian vừa qua, anh ngạc nhiên vì có rất nhiều người ở khắp nơi đổ xô về đây, nhóm người này đi thì nhóm khác lại đến. Con suối trước đây gia đình anh thường lấy nước về dùng nhưng từ ngày tình trạng khai thác đá màu nổi lên, nước đục ngầu, không thể dùng được, anh đành phải đào giếng.

Qua tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được biết, tình trạng người dân đổ xô đến thăm dò và khai thác đá màu chủ yếu tập trung tại 2 vị trí: lô 8 và lô 2 của tiểu khu 300 thuộc địa bàn xã Cư Klông. Khoảng tháng 9-2013, số người đến khai thác ban đầu nhỏ lẻ 5-7 người. Đến đầu tháng 10-2013, cao điểm lên đến 500 người, ngoài người dân trong tỉnh còn có các tỉnh khác từ trong nam, ngoài bắc như Ninh Bình, Lâm Đồng, Gia Lai, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Cà Mau… Khu vực khai thác đã mở rộng khoảng 5 km2, nếu tính số bãi khai thác cả lớn, cả nhỏ cũng phải đến 10 bãi. Thượng tá Phạm Châu, Trưởng Công an huyện Krông Năng cho biết: Các đối tượng ra vào hằng ngày thông qua nhiều con đường chủ yếu là đi bộ. Đây lại là rừng núi, xa trung tâm nên cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý đối tượng, triển khai các mặt công tác, bảo đảm tình hình an ninh nông thôn. Từ tháng 10 đến nay, cùng với biện pháp tuyên truyền, vận động, Công an huyện Krông Năng đã triển khai một tổ công tác gồm 10 cán bộ chiến sĩ cắt cử nhau vào địa điểm khai thác để kịp thời nắm tình hình, ngăn chặn việc khai thác khoáng sản trái phép. Tổ công tác đã lập danh sách và triển khai 120 lượt truy quét, đưa gần 600 đối tượng ra khỏi địa bàn khai thác và thu giữ nhiều phương tiện như cuốc, xẻng, sàng… Tuy nhiên, Thượng tá Châu cũng khẳng định là tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp, hiện mỗi ngày vẫn có khoảng 10-20 người lén lút vào khai thác, không chỉ tàn phá môi trường mà còn ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh trật tự. Theo đó, tổ công tác vẫn phải chốt chặn và túc trực 24/24 giờ để tiến hành kiểm tra, ngăn chặn, vận động các đối tượng ra về.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.