Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường biện pháp bảo vệ, phòng chống cháy rừng trong mùa khô

08:55, 20/01/2014
Ngay từ đầu mùa khô năm 2013-2014, trước những dự báo diễn biến phức tạp về thời tiết, để tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho rừng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị quản lý rừng kiện toàn Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR từ cấp tỉnh đến huyện, xã; chỉ đạo các đơn vị chủ rừng xây dựng Phương án PCCCR trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
 
Ngành kiểm lâm cũng đã triển khai công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và PCCCR trong mùa khô; tu sửa, xây dựng các bảng, biển tuyên truyền và các công trình về PCCCR trên địa bàn tỉnh. Theo Chi cục kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh có khoảng  trên 340.000 ha rừng dễ cháy, trong đó rừng tự nhiên khoảng trên 300.000 ha gồm các loại rừng khộp, rừng hỗn giao, rừng thường xanh, le, tre, nứa, lồ ô… phân bố chủ yếu ở các huyện: Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Cư M’gar, Lak…, số còn lại là rừng trồng gồm rừng lá kim và bạch đàn, keo, muồng ở các huyện M’Drak, Krông Bông, Ea Kar. Đến nay, hầu hết các đơn vị đã lên phương án và triển khai thực hiện các công trình phòng chống cháy như phát dọn đường băng cản lửa, xây dựng chòi canh… đảm bảo giảm thiểu tối đa các nguy cơ có thể gây ra cháy rừng trong mùa khô năm nay. Ông Lê Cước, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng cho biết: đến nay, hầu hết các chủ rừng trên địa bàn đã xây dựng phương án PCCCR. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật  dự toán hạng mục công trình PCCCR cho 25 đơn vị  với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng. Chi cục cũng đã đề nghị chính quyền địa phương củng cố, thành lập các Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng cấp huyện. Một số địa phương: Ea H’leo, Krông Bông, Ea Súp, Lak…  đã xây dựng phương án phối hợp giữa chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm với Đội Kiểm lâm cơ động PCCCR số 1,2,3 của tỉnh để tăng cường công tác tuần tra, quản lý bảo vệ gắn với kiểm tra PCCCR trên địa bàn. 
Phát dọn thực bì để bảo đảm an toàn cho rừng trong mùa khô.                                                                          (Ảnh minh họa)
Phát dọn thực bì để bảo đảm an toàn cho rừng trong mùa khô. (Ảnh minh họa)

Chi cục Kiểm lâm, các Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR, các Hạt Kiểm lâm huyện đã xây dựng kế hoạch, đề cương và tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ PCCCR của các chủ rừng tại một số địa bàn trọng điểm: Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Krông Năng… với các nội dung: xây dựng và thực hiện theo phương án phòng cháy chữa cháy rừng, phát dọn đường băng cản lửa, phát thực bì trong lô, đóng bảng cấm lửa, xây dựng chòi canh lửa rừng, tổ chức lực lượng tuần tra rừng. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân, các chủ rừng, chính quyền địa phương cùng tham gia bảo vệ rừng; tổ chức truy quét các đối tượng phá rừng, kiểm tra người dọn nương rẫy, đốt ong thường mang lửa vào rừng. Tổ chức tập huấn, bảo dưỡng, sử dụng thành thạo máy móc, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng đã được trang bị cho lực lượng Kiểm lâm nhằm kịp thời dập tắt khi có cháy rừng xảy ra… Trong đó, chòi canh phải được bố trí xây dựng tại những vùng rừng trọng điểm dễ cháy, cao hơn tán rừng và có tầm quan sát xa dễ phát hiện cháy rừng; đồng thời cử cán bộ kiểm lâm thường xuyên canh gác để phát hiện điểm cháy. Đường băng cản lửa gồm có đường băng trắng và đường băng xanh nhằm ngăn cách giữa rừng cây với nương rẫy, ruộng vườn, điểm dân cư, đường giao thông… Cần phân chia rừng thành nhiều lô, khoảnh nhằm giảm cháy lan và làm suy yếu đám cháy khi có cháy rừng xảy ra (đường băng cản lửa đảm bảo rộng từ 10-15m). Phổ biến kinh nghiệm khi đốt, dọn nương rẫy có thể sử dụng phương pháp đốt non có điều khiển bằng cách gom vật liệu rơm rạ hoặc cỏ cây khô thành dải rộng 2-3m, dài 6-8m, dải cách bìa rừng 20-30m (nếu đốt ruộng) cách 5-8m khi đốt rẫy, làm đường. Đốt lúc gió nhẹ, vào buổi sáng hoặc buổi chiều tối để ngăn ngừa lửa cháy lan; khi đốt phải có người trực, đốt xong đợi lửa tắt hẳn mới ra về. Đối với các cơ sở chế biến lâm sản phải xây dựng và thực thi các phương án PCCCR, bố trí, sắp xếp bãi hợp lý, gọn, tránh để xảy ra cháy gỗ; đồng thời xử lý mùn cưa sau chế biến, xây dựng bể chứa nước, trang bị hệ thống bơm nước, bình CO2

Với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt và thường xuyên của tỉnh cùng sự chuẩn bị tích cực, tinh thần trách nhiệm cao của các đơn vị chủ rừng trong công tác PCCCR, Dak Lak đã sẵn sàng chủ động ứng phó với mùa khô năm nay nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng xảy ra.

 Lê Hương


Ý kiến bạn đọc