Multimedia Đọc Báo in

Chăn nuôi thả rông: Thách thức trong thực hiện tiêu chí về vệ sinh môi trường ở huyện Cư M'gar

15:48, 28/03/2014
Trong những năm qua, tập quán chăn nuôi thả rông vẫn được nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Cư M’gar áp dụng. Cách nuôi này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và thách thức lớn cho việc thực hiện tiêu chí số 17 về vệ sinh môi trường trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Trên tuyến tỉnh lộ 8 đoạn qua buôn Sút M’rư, xã Cư Suê ta có thể dễ dàng bắt gặp những con heo được nuôi thả rông chạy trên đường. Những con heo này gần như không có bàn tay chăm sóc của chủ mà tự đi kiếm ăn và tự tìm đường về nhà giống như trong tự nhiên. Đây là tập quán chăn nuôi từ xa xưa của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Tuy nhiên cách nuôi này đã khiến cho việc xử lý chất thải trong chăn nuôi dường như được phó mặc cho tự nhiên, đặc biệt là vào những ngày mưa bão do lượng phân này không được xử lý đã gây nên tình trạng nhếch nhác, mất vệ sinh. Chị Nguyễn Thị Vân, người dân thường xuyên đi qua tuyến đường này than thở: “Tôi chỉ là người thường xuyên đi qua đoạn đường này thôi nhưng thật sự thấy mất vệ sinh lắm. Lượng phân heo thải ra không được thu dọn, nhất là khi trời mưa thì càng thêm nhếch nhác. Việc chăn nuôi thả rông này cũng gây rất nhiều khó khăn cho người tham gia giao thông, đã có trường hợp bị té ngã do tránh đàn vật nuôi này…”.

         Heo được người dân thả rông trên tuyến tỉnh lộ 8, đoạn qua địa bàn  xã  Cư Suê.
Heo được người dân thả rông trên tuyến tỉnh lộ 8, đoạn qua địa bàn xã Cư Suê.

Trên địa bàn huyện Cư M’gar hiện có khoảng 453.200 con gia súc, gia cầm; trong đó có từ 12.500 – 13.700 con trâu; 31.500 - 42.000 con  heo; 3.500  - 4.000 con dê và từ 350.000 – 540.000 con gia cầm. Tình trạng chăn nuôi theo hình thức thả rông chủ yếu chỉ xảy ra ở những buôn đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các buôn ở xã Ea Tul và xã Cư Suê… Với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi hộ thường chỉ nuôi một vài con và chủ yếu là chăn nuôi heo bản địa - loài vật nuôi được thị trường ưa chuộng. Ông Nguyễn Quang Đức, Trưởng Trạm Thú y huyện Cư M’gar cho biết: “Trong những năm qua trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số trang trại chăn nuôi, tuy nhiên phần lớn người dân vẫn thực hiện phương pháp chăn nuôi nhỏ lẻ là chính. Bên cạnh đó có một số hộ dân ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nuôi thả rông gia súc, gia cầm, nhất là đàn heo. Với hình thức chăn nuôi thả rông này, ngoài việc gây khó khăn trong công tác quản lý đàn, quản lý dịch bệnh thì lượng phân thải ra cũng có tác động nhất định đến môi trường xung quanh…”.

Cùng với các địa phương trong cả nước, huyện Cư M’gar đang tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc chăn nuôi thả rông của nhiều hộ ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện như hiện nay tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện tiêu chí số 17 về vệ sinh môi trường. Tiêu chí này không đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn nhưng đây lại là một trong những tiêu chỉ khó thực hiện nhất, bởi nó dựa vào ý thức của người dân là chủ yếu. Để góp phần hoàn thành tiêu chí này, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trong chăn nuôi, tiến tới xóa bỏ dần tập quán chăn nuôi thả rông; đồng thời cần có những quy định xử lý đối với những trường hợp vẫn còn chăn nuôi thả rông khi đã được chính quyền tuyên truyền, vận động, có như vậy môi trường mới được cải thiện, góp phần thực hiện tốt tiêu chí về vệ sinh môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.