Xử lý chất thải điểm giết mổ gia súc tập trung: Hiệu quả từ mô hình sử dụng hầm biogas
Cơ sở GMGSTT xã Ea Bar được gia đình ông Lê Ngọc Hiền xây dựng năm 2008 theo quy hoạch của địa phương. Tổng diện tích cơ sở là 500m2 với nguồn vốn đầu tư gần 400 triệu đồng, công suất thiết kế 100 con/ngày đêm. Cơ sở được thiết kế gồm hai khu: khu giết mổ và khu xử lý chất thải. Khu giết mổ rộng 400m2, khu xử lý nước thải rộng 100m2.
Để bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ thì ống dẫn khí và dây dẫn gas phải được kiểm tra thường xuyên. |
Ông Hiền cho biết, chất thải trong các cơ sở giết mổ tập trung có hai loại, chất thải rắn và chất thải lỏng. Chất thải rắn bao gồm phần lông heo, mỡ heo, phân heo. Chất thải lỏng là nước thải trong quá trình xịt rửa chuồng trại và quá trình giết mổ. Khi chưa xây dựng khu xử lý chất thải, môi trường xung quanh bị ô nhiễm nặng, ruồi nhặng, mùi hôi bốc lên ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình, người thân, tình làng nghĩa xóm cũng bị ảnh hưởng. Nhưng chỉ với 19 triệu đồng đầu tư ban đầu để xây dựng hầm biogas dung tích 25m3, toàn bộ chất thải của quá trình nuôi nhốt chờ giết mổ và hoạt động giết mổ đã được xử lý triệt để. Phần khí thải trong quá trình xử lý được tận dụng làm khí đốt thay thế bình gas. Không dùng hết, gia đình ông còn cho 7 hộ dân xung quanh dùng chung.
Chị Bùi Thị Thúy nhà ở cạnh cơ sở GMGSTT xã Ea Bar cho biết, trước đây mùi hôi thối từ cơ sở bay ra nồng nặc, đặc biệt là những hôm trời trở gió hoặc giữa trưa nắng, gia đình chị phải ăn cơm trong mùng, không dám mở cửa nhà; những gia đình có con nhỏ thì phải đem gửi ở xa. Từ khi gia đình ông Hiền xây dựng hầm biogas đến giờ không chỉ môi trường sống được bảo đảm mà các hộ xung quanh còn được sử dụng gas miễn phí. Nếu nấu tiết kiệm thì mỗi bình ga 12kg có giá khoảng 400.000 đồng gia đình sử dụng được 1,5 tháng. Khi sử dụng gas miễn phí, gia đình chị tiết kiệm được gần 3 triệu đồng/năm.
Không chỉ tạo ra chất đốt, hầm biogas còn cung cấp mỗi năm hơn 10 tấn phân bón để bón cây trồng trong vườn và bán cho các thương lái thu về được hơn 10 triệu đồng. Để hầm biogas hoạt động hiệu quả, hằng năm gia đình ông còn bổ sung các vi sinh vật vào hầm chứa chất thải; định kỳ 6 tháng/lần thay ống dẫn khí gas để bảo đảm an toàn đường dẫn, tránh rò rỉ khí gas ô nhiễm môi trường cũng như cuộc sống của người dân xung quanh.
Theo UBND xã Ea Bar, gia đình ông Hiền không chỉ thực hiện tốt công tác xử lý chất thải trong quá trình nuôi nhốt và giết mổ tại cơ sở GMGSTT của xã mà còn giúp đỡ các gia đình khác xây dựng hầm biogas xử lý nước thải. Địa phương đang khuyến khích bà con nông dân xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi.
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc