Đến bao giờ Trạm xử lý nước thải của Cụm công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) mới xây dựng xong?
Cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải cũng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Đơn cử đối với Công ty TNHH Nguyễn Gia Chánh chuyên sản xuất bao bì, để hoạt động đủ công suất thiết kế mỗi ngày là 10 nghìn chiếc bao bì, Công ty phải sử dụng ít nhất từ 20 đến 25 m3 nước. Do chưa có trạm xử lý nước thải chung của Cụm công nghiệp, Công ty phải tự đào hầm xử lý ngay trong khuôn viên của nhà máy, vì thế mỗi ngày Công ty chỉ có thể sản xuất cầm chừng để hạn mức lượng nước thải ra hầm khoảng 5 m3 nước. Mặt khác, Công ty cũng không dám sử dụng nguyên liệu bao bì cũ để tái chế, vì dùng loại này cần nhiều nước giặt rửa mà phải sử dụng nguyên liệu hạt nhựa với lý do giảm bớt lượng nước cần sử dụng, nhưng kéo theo đó giá thành lại cao hơn khiến việc cạnh tranh trên thị trường thêm vất vả.
![]() |
Việc thi công Trạm xử lý nước thải ở Cụm công nghiệp Tân An đã phải tạm ngưng 6 tháng nay do chưa tiếp tục được bố trí vốn đầu tư. |
Trước yêu cầu bức thiết của việc bảo vệ môi trường, năm 2012, Dự án hệ thống xử lý nước thải Cụm công nghiệp Tân An được phê duyệt và đưa vào xây dựng với số vốn 37 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Dự án do UBND TP.Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư. Đầu năm 2013, Công ty TNHH Xây dựng Tiến Thịnh (TP. Buôn Ma Thuột) là đơn vị thi công tiến hành xây dựng trạm xử lý nước thải trên diện tích gần 1000 m2, nằm ở cuối cụm công nghiệp, tiếp giáp với huyện Cư M’gar. Trạm xử lý có tổng công suất thiết kế 1.500 m3/ngày, trước mắt sau khi hoàn thành sẽ vận hành với công suất 800 m3/ngày. Theo đúng tiến độ thì tháng 8-2014 dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, sau khi Công ty Tiến Thịnh hoàn thành các hạng mục như: hàng rào bao quanh, hệ thống mương xả, nhà ép bùn; còn lại các hạng mục bể xử lý, nhà điều hành cùng mạng lưới đường ống đấu nối đang trong quá trình xây dựng thì phải ngừng. Theo nhà thầu, ngân sách mới bố trí được 12 tỷ đồng, nhà thầu phải tạm bỏ vốn là 10 tỷ đồng, tổng cộng là 22 tỷ đồng, mới thực hiện gần 70% khối lượng công việc. Bản thân doanh nghiệp cũng không còn vốn để ứng trước cho việc tiếp tục thi công bảo đảm tiến độ, trong khi đó vốn ngân sách đầu tư cho công trình chưa được bố trí tiếp nên công trình đành phải tạm dừng. Việc tạm ngưng thi công này cũng đã kéo dài 6 tháng nay khiến một công trình có tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng đang dở dang, cỏ dại mọc vào tận trong nhà điều hành và cả trên bể xử lý. Còn Công ty Tiến Thịnh thì phải cắt cử người trông nom để bảo vệ các hạng mục đã thi công của công trình.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc