Bảo tồn đa dạng sinh học: Những khó khăn từ thực tế
Với diện tích rừng tự nhiên khá lớn có địa hình và khí hậu đặc thù cùng sự đa dạng của thổ nhưỡng đã tạo cho Đắk Lắk sự đa dạng về sinh học. Tuy nhiên, công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở đây cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức...
Với tổng diện tích tự nhiên khoảng 1,3 triệu ha, trong đó trên 550.000 ha là rừng, ở độ cao 400 – 2.400m so với mực nước biển, Đắk Lắk hiện có 9 hệ sinh thái rừng và 9 kiểu thảm thực vật rừng. Hệ sinh thái đa dạng, các loài động thực vật ở Đắk Lắk cũng khá phong phú về loài, trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm như: cẩm lai, trắc, giáng hương, cà te, thông 5, pơ mu, trầm hương và nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như voi, bò tót, hổ… Bên cạnh đó, là sự đa dạng của nhóm thực vật ngoài gỗ như hệ nấm, địa y, rêu, tre lồ ô có giá trị về dược liệu, thực phẩm, vật liệu. Kết quả tổng hợp, đánh giá, cập nhật danh mục động, thực vật hoang dã từ các khu rừng đặc dụng ghi nhận, riêng động vật có xương sống thuộc nhóm bốn chân có 618 loài thuộc các lớp thú, chim, bò sát, ếch nhái; thực vật có 1825 loài thuộc 187 họ, trong đó có nhiều loài hiếm, nguy cơ bị đe dọa và là loài đặc hữu của vùng Tây Nguyên.
Các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham quan rừng khộp ở VQG Yok Đôn - hệ sinh thái rừng đặc thù của Tây Nguyên. |
Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 ban quản lý rừng đặc dụng, trong đó Vườn Quốc gia Yok Đôn do Tổng cục Lâm nghiệp quản lý, 5 ban quản lý còn lại gồm: Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Khu Dự trữ thiên nhiên Nam Ka, Khu rừng bảo vệ cảnh quan Hồ Lắk, Khu Bảo tồn loài-sinh cảnh thông nước do tỉnh quản lý, với tổng diện tích trên 227.900 ha. Trong thời gian qua, việc khai thác giá trị đa dạng sinh học đã từng bước được quan tâm và đưa vào khai thác ở một số VQG, KBTTN nhưng vẫn còn hạn chế, các đề tài nghiên cứu khoa học còn ít. Bảo tồn đa dạng sinh học được tỉnh quan tâm với nhiều dự án: Bảo tồn voi, Bảo tồn loài sinh cảnh thông nước, Quy hoạch và phát triển hệ thống rừng đặc dụng… Cụ thể, tại VQG Chư Yang Sin đã thực hiện điều tra về thực vật, cây dược liệu, thu thập mẫu tiêu bản của 600 loài thực vật hiện có tại Vườn. Với sự hỗ trợ của Dự án Birdlife (2006-2010) và Trung tâm nghiên cứu nhiệt Việt – Nga (2012-2013), VQG Chư Yang Sin đã phối hợp tham gia vào điều tra đa dạng sinh vật của các nhóm thực vật thú, lưỡng cư, bò sát, chim…. Kết quả, đã cung cấp những tài liệu về đa dạng sinh học có ý nghĩa trong việc bảo tồn tại Vườn. Vườn Quốc gia Yok Đôn với sự hỗ trợ của Dự án PARC, VCF (Quỹ bảo tồn Việt Nam) cũng có những nghiên cứu lập cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học và giám sát đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, Khu BTNT Nam Ea Sô, Nam Ka cũng tham gia vào các chương trình dự án trong và ngoài nước để tiếp cận và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn. Tuy nhiên, hầu hết cũng chưa thiết kế và thực hiện một cách khoa học. Chỉ ở Vườn Quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin với sự hỗ trợ ban đầu của Birdlife, PARC, VCF đã tổ chức được các trạm kết hợp tuần tra rừng với giám sát đa dạng sinh học, động vật hoang dã theo tuyến và lưu trữ dữ liệu trong hệ thống GIS. Chính vì vậy, nguồn gen và tính đa dạng sinh học nhiều khu, vườn luôn suy giảm trong những năm qua mà nguyên nhân chủ yếu là do khai thác bừa bãi, thói quen canh tác lạc hậu của một bộ phận dân cư; khai thác, vận chuyển, mua bán và tiêu thụ trái phép các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm vẫn xảy ra và khó kiểm soát; dân di cư ngoài kế hoạch lấn chiếm rừng, đất rừng trái phép để sản xuất nông nghiệp; diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, làm mất hoặc làm hẹp nơi cư trú của động vật hoang dã, đặc biệt là những loài có kích thước lớn như hổ, voi, bò tót… hoặc loài di chuyển như chim; hệ thống cơ cấu tổ chức quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học còn phân tán, chồng chéo; các văn bản quy phạm pháp luật thực thi Luật Đa dạng sinh học chưa hoàn thiện, đồng bộ. Cho nên, công tác bảo tồn đa dạng sinh học theo đó càng đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Đơn cử như Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk được thành lập từ năm 2011, theo đề án tổng biên chế là 50 người, nhưng đến nay mới được giao chỉ tiêu 13 biên chế; Trung tâm vẫn chưa có trụ sở làm việc, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị cho công tác bảo tồn voi còn thiếu nên quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, bảo tồn voi ở Việt Nam là một lĩnh vực mới, cán bộ chưa được đào tạo chuyên sâu. Voi hoang dã cư trú dựa vào rừng tự nhiên trên địa bàn 3 huyện: Ea Súp, Buôn Đôn và Ea H’leo, nhưng hiện nay diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm nhanh và chia cắt nên dẫn đến tình trạng xung đột giữa voi và người ngày càng tăng, phức tạp. Đối với voi nhà do các chủ voi là các công ty du lich và hộ gia đình nuôi dưỡng, quản lý độc lập chủ yếu là để phục vụ du khách nên voi không có cơ hội gặp gỡ giao phối để sinh sản. Sau 5 năm thành lập, Trung tâm hoạt động vẫn trong tình trạng thiếu thốn cả về nguồn nhân lực và tài chính, cho nên hiệu quả của công tác bảo tồn vẫn chưa cao.
Để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học, mới đây trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, UBND tỉnh đã có một số kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học tại các địa phương, trong đó, tập trung cho 2 dự án đã được phê duyệt là bảo tồn voi, thông nước. Để giảm áp lực đối với rừng, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cần quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân vùng đệm, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng; có biện pháp ngăn chặn tình trạng dân di cư ngoài kế hoạch đến Đắk Lắk xâm chiếm đất rừng trái phép để canh tác nông nghiệp…
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc