Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo ô nhiễm môi trường vùng nông thôn

08:45, 12/08/2015

Ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, làng nghề… ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn là một thực trạng đáng lo ngại hiện nay.

Theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2014, nông thôn Việt Nam đang chịu những sức ép không nhỏ về ô nhiễm môi trường như phát triển sản xuất chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường; thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn còn hạn chế; chưa kiểm soát được chất thải bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật; khó khăn trong kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề; công tác quản lý môi trường nông thôn còn chồng chéo, thiếu đơn vị đầu mối quản lý; tỷ lệ dân cư nông thôn được cấp nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn còn thấp… Đây cũng chính là thực trạng tại nhiều khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ở nhiều địa phương, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành nỗi bức xúc của người dân. Đơn cử như tại xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar), tình trạng rác thải sinh hoạt như bao ni lông, chai lọ, thực phẩm phế thải từ hộ gia đình, thậm chí cả xác gia súc, gia cầm do nhiều người vứt vương vãi trên nhiều đoạn đường, chân cầu và dưới lòng suối không chỉ gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến môi trường đất và nước mà con gây phản cảm đối với những người thường xuyên đi lại các khu vực này. Điều đáng nói là nguyên nhân gây ô nhiễm chính là một bộ phận người dân trên địa bàn thiếu ý thức thường lợi dụng những nơi thưa thớt dân cư, lúc vắng người qua lại để vứt rác bởi họ thường có tâm lý chỉ làm sao để sạch nhà mình mà không hề quan tâm đến môi trường sống sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Trong khi đó, dịch vụ thu gom rác thải trên địa bàn xã chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức khiến tình trạng ô nhiễm môi trường càng khó xử lý triệt để. Hậu quả của tình trạng xả rác bừa bãi và tràn lan như hiện nay chính là việc môi trường sống đang bị đe dọa không chỉ ở ao hồ, sông ngòi, đường sá, đồng ruộng… mà nguy hại hơn là có thể dẫn tới các loại dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người với các căn bệnh thường gặp như hô hấp, đường ruột, bệnh ngoài da.

Chai lọ thuốc bảo vệ thực vật của người dân thôn Kiến Xương, xã Buôn Triết (huyện Lắk) vứt bừa bãi ra môi trường.
Chai lọ thuốc bảo vệ thực vật của người dân thôn Kiến Xương, xã Buôn Triết (huyện Lắk) vứt bừa bãi ra môi trường.

Bên cạnh tình trạng ô nhiễm từ rác thải thì hiện nay việc người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi cũng là vấn đề đáng báo động. Đến các vùng nông thôn, không khó để bắt gặp hình ảnh những chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật người dân sử dụng xong vứt bừa bãi trên nương rẫy, đồng ruộng, trong vườn nhà hay tình trạng sau khi phun thuốc, hầu hết đều rửa bình bơm và đổ thuốc thừa ở các ao hồ, sông suối mà không chú ý đảm bảo an toàn nguồn nước. Như tại thôn Kiến Xương, xã Buôn Triết (huyện Lắk), nhiều chai lọ thuốc bảo vệ thực vật được người dân vứt bỏ ở bờ ao, hồ sau khi sử dụng cho cây trồng. Khi được hỏi thì nhiều người cho rằng nó chẳng gây hại, tiện đâu thì vứt đấy bởi chẳng ai có ý kiến gì!

Một điều dễ nhận thấy nữa là một bộ phận người dân vẫn giữ thói quen, tập quán chăn nuôi gia súc thả rông, nhốt dưới gầm sàn làm ô nhiễm môi trường sống xung quanh. Đơn cử như ở huyện Lắk, hiện vẫn còn nhiều hộ gia đình vì hoàn cảnh khó khăn, không có kinh phí đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi nên ban ngày thì chăn thả trên đường, tại các đồng ruộng, nương rẫy, bãi đất trống, ban đêm thì nhốt dưới gầm sàn nhà, sân vườn; hay tại một số xã vùng sâu ở huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Bông, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chăn nuôi heo thả rông, để vật nuôi phóng uế bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, những nhà vệ sinh tạm bợ của người dân được làm gần nhà ở bốc mùi hôi thối hoặc không có dẫn đến việc xả thải bừa bãi cũng làm ô nhiễm đất, nguồn nước sinh hoạt, phát sinh ruồi muỗi, gây dịch bệnh…

Quả thật, nếu không có biện pháp nuôi nhốt gia súc, thu gom và xử lý các nguồn chất thải này một cách hợp lý và khoa học thì vấn đề ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn hiện nay sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Trong khi địa phương còn nhiều khó khăn, chưa thể giải quyết ngay vấn đề ô nhiễm môi trường bằng các biện pháp thu gom và xử lý rác thải theo đúng quy định thì biện pháp cấp bách trước mắt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường sống đối với người dân; đồng thời có chế tài đối với những cá nhân và gia đình vi phạm nhiều lần, có như vậy mới từng bước cải thiện được môi trường sống cho cộng đồng dân cư.

 Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.