Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn động thực vật hoang dã: Đừng để thành rừng lặng! (Kỳ cuối)

07:59, 05/06/2016

Kỳ cuối: Chuyện bảo tồn *

Trước tình trạng khai thác và sử dụng một cách thiếu bền vững khiến nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, các cấp, chính quyền địa phương đã và đang vào cuộc để bảo tồn động, thực vật hoang dã, quý hiếm.

Lời khẩn cầu của động, thực vật hoang dã

Có thể thấy, những thay đổi lớn về điều kiện tự nhiên và tác động nhiều mặt của con người trong những năm gần đây đã làm suy giảm diện tích rừng tự nhiên; thậm chí các khu rừng đặc dụng cũng đang đối mặt với sức ép khai thác, sử dụng tài nguyên từ nhiều đối tượng làm thay đổi trạng thái, chất lượng của khu hệ thực vật. Điều đáng nói là nó đã ảnh hưởng đến nơi cư trú, nguồn thức ăn và tập tính sinh thái của nhiều loài động vật, nhất là những loài thú lớn có giá trị kinh tế và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Kết quả điều tra của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy, Đắk Lắk có 104 loài động vật hoang dã và 97 loài thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Trong đó, ở rừng tự nhiên, nhóm CR có 1 loài động vật và 5 loài thực vật, nhóm EN có 14 loài động vật và 9 loài thực vật, nhóm VU có 20 loài động vật và 11 loài thực vật. Rừng đặc dụng có 7 loài động vật và 3 loài thực vật quý hiếm xếp vào nhóm CR, 28 loài động vật và 40 loài thực vật nằm trong nhóm EN, 36 loài động vật và 42 loài thực vật nhóm VU. Riêng các loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, cấm khai thác theo Nghị định 32 của Chính phủ có phân bố trong rừng đặc dụng gồm 75 loài động vật và 25 loài thực vật; cụ thể, có 31 loài động vật và 5 loài thực vật thuộc nhóm nghiêm cấm khai thác (IB), 44 loài động vật và 20 loài thực vật bị hạn chế khai thác (IIB).

Cán bộ Trung tâm Bảo tồn voi chăm sóc voi rừng sau khi giải cứu
Cán bộ Trung tâm Bảo tồn voi chăm sóc voi rừng sau khi giải cứu.

 Minh chứng cho việc săn bắn động vật quý hiếm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, phải kể đến việc cán bộ kiểm lâm của VQG Chư Yang Sin trong lúc tuần tra (tháng 10-2009) đã phát hiện một số lâm tặc vừa mới giết hại một số voọc chà vá chân đen trong địa phận của Vườn. Voọc chà vá chân đen là loài đang bị đe dọa và nằm trong danh sách động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, thuộc nhóm CR. Cũng theo nhiều cán bộ kiểm lâm, trước đây, họ vẫn thường gặp những cá thể nai cà tông (động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng thuộc nhóm EN) trong các khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) và VQG, tuy nhiên, hiện nay do diện tích rừng bị thu hẹp quá nhanh, chất lượng rừng suy giảm và nạn săn bắn, tàn sát động vật hoang dã nên hơn 10 năm trở lại đây, không ai thấy loài động vật quý hiếm này xuất hiện nữa.

Quả thật, với kiểu khai thác, săn bắt tận diệt như hiện nay không chỉ làm thay đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài mà còn tác động đến sự tồn vong của nhiều loại động, thực vật quý hiếm. Trong khi đó, việc tiêu thụ và buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã, quý hiếm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Những vụ việc bị phát hiện, các đối tượng vi phạm bị bắt giữ lại quá ít, chỉ là một phần nổi trong tảng băng chìm giữa cuộc chiến chống nạn buôn bán, săn bắt động, thực vật hoang dã dài kỳ.

Bảo tồn hệ sinh thái – trách nhiệm toàn xã hội

Trước thực trạng trên, để bảo tồn hệ sinh thái đa dạng của địa phương, các cấp, ngành và chính quyền địa phương đã có nhiều hoạt động nhằm quản lý và sử dụng tài nguyên động, thực vật rừng hợp lý và bền vững. Những năm qua, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp nghiên cứu, xây dựng dự án và thành lập Ban quản lý bảo tồn voi và Ban quản lý bảo tồn loài – sinh cảnh thông nước, đây là 2 loài có nguy cơ tuyệt chủng. Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ phân bố động vật rừng, các loài thực vật quý hiếm trên địa bàn tỉnh; các VQG, khu BTTN cũng tham gia vào việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu về tập tính của một số loài động thực vật quý hiếm. Đồng thời, tổ chức thả vào rừng và chuyển trung tâm cứu hộ các loài động vật hoang dã do người dân tự nguyện bàn giao nộp. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức thả vảo rừng hàng trăm cá thể động vật hoang dã; trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ như 2 con trăn gấm, 1 con chim ưng, 1 con công, 2 con trĩ đỏ, 13 cá thể rùa, 6 con khỉ; tổ chức cứu hộ tại VQG Yok Đôn 2 con voi con và chuyển trung tâm cứu hộ 1 cá thể gấu ngựa, 2 cá thể voọc chà vá chân xám…

Trong công tác ngăn ngừa, đấu tranh, triệt phá các đường dây khai thác, mua bán, vận chuyển, kinh doanh, quảng cáo, tiêu dùng trái phép các loại động, thực vật hoang dã đã xử lý nghiêm nhiều vụ việc. Đơn cử như vào tháng 8-2015 Phòng cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh phối hợp với Hạt Kiểm lâm TP. Buôn Ma Thuột đã kiểm tra, xử lý cơ sở Hồ câu cá giải trí Đảm Béo (TP. Buôn Ma Thuột) khi phát hiện 1 cá thể cầy vòi hương, 2 cá thể trăn đất khoảng 60 kg và 6 cá thể khỉ gồm: khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, khỉ vàng đang bị nuôi nhốt trong chuồng sắt phục vụ làm cảnh trong khuôn viên hồ câu. Trong đó, số cá thể khỉ và trăn đất là động vật thuộc nhóm IIB. Mới đây, UBND tỉnh và Tổ chức động vật châu Á cũng đã ký biên bản hợp tác dự án bảo tồn voi Việt Nam tại Đắk Lắk, với tổng kinh phí 50.000 USD. Theo đó, Tổ chức động vật châu Á sẽ cử các chuyên gia, bác sỹ thú y tư vấn thiết kế, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho khu vực chăm sóc, quản lý voi; cứu hộ voi rừng bị tai nạn hoặc voi nhà không có điều kiện chăm sóc tốt; nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn voi và các loài động vật hoang dã khác, thời gian thực hiện trong năm 2016 - 2017.

Ông Kiều Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh chia sẻ: “Bên cạnh những cố gắng trong việc bảo tồn động, thực vật hoang dã của cán bộ kiểm lâm cần sự chia sẻ, đồng lòng của tất cả các cấp, ngành và đặc biệt là doanh nghiệp và nhân dân. Việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác, gây nuôi, mua bán, vận chuyển động, thực vật hoang dã, quý hiếm của toàn xã hội sẽ góp phần bảo vệ, giữ màu xanh và sự đa dạng sinh học của các khu rừng”. Với những nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng chức năng, nhiều loài động, thực vật gặp nguy hiểm đã được cứu chữa kịp thời; tuy nhiên vẫn còn nhiều loài đang bên bờ vực tuyệt diệt và rất cần sự chung tay hành động của toàn xã hội.         

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh giai đoạn 2011- kết quả tổng hợp đánh giá cập nhật danh mục động, thực vật hoang dã từ các khu rừng đặc dụng ghi nhận, động vật có xương sống thuộc nhóm 4 chân có 618 loài thuộc 104 họ, 32 bộ, thuộc các lớp thú, chim, bò sát, ếch nhái; thực vật có 1.825 loài thuộc 187 họ, 61 bộ, ở 11 lớp thuộc 7 ngành là dây gấm, dương xỉ, ngọc lan, thông, thông đất, cỏ tháp bút và tuế.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc