Multimedia Đọc Báo in

Bất cập trong thu gom, xử lý rác thải tại xã Ea Knuêk

07:26, 04/04/2017

Bãi rác xã Ea Knuêk (huyện Krông Pắc) có từ năm 2000 với diện tích khoảng 500 m2 nên chỉ giải quyết được lượng rác thải mỗi ngày tại khu vực trung tâm chợ của xã.

Năm 2012, xã chủ trương mở rộng bãi rác lên 1.500 m2 nhằm tiếp nhận lượng rác trên toàn xã. Cũng từ đó đã nảy sinh nhiều bất cập trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại bãi rác này.

Theo tìm hiểu, việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã do 1 tổ thu gom rác thuộc Ban quản lý chợ đảm nhận. Tổ có 3 thành viên, trực tiếp thu gom, vận chuyển rác bằng xe công nông, định kỳ mỗi tuần 3 lần. Vì chưa có xe chuyên dụng nên tổ mới chỉ thực hiện thu gom rác tại khu vực chợ và 3 thôn lân cận là Tân Bình, Tân Hưng và Tân Tiến. Trong khi đó, bãi rác lại nằm khá xa nên người dân không thể tự mang rác đến bỏ, phần lớn vẫn tự xử lý theo cách riêng của mình như đốt và chôn lấp, nhiều người thiếu ý thức đã vứt rác ra các trục đường giao thông, nơi công cộng...

Quãng đường vận chuyển rác từ trung tâm xã đến bãi tập kết rác đi qua 5 buôn: Ea Naih, Kang, Pu, Krêh A và Krêh B nhưng xe chở rác lại không được che chắn khi đi qua khu dân cư. Bà H’Jưm Knul (buôn Pu) cho biết: “Nhiều lần xe chở rác làm rơi vãi xuống đường nhưng không được các nhân viên thu gom lại, làm ảnh hưởng đến việc đi lại và mỹ quan đường làng ngõ xóm, khi bà con góp ý thì bị họ phản ứng lại.”

Rác đổ tràn ra cả đường đi tại bãi rác  xã Ea Knuêk.    Ảnh: T. Mai
Rác đổ tràn ra cả đường đi tại bãi rác xã Ea Knuêk. 

 Hơn nữa, bãi rác của xã nằm ở cuối buôn Krêh B nhưng lại gần khu dân cư của buôn Pu và buôn Kang, khiến nhiều hộ dân nơi đây luôn phải sống trong bầu không khí ngột ngạt bởi khói bụi và mùi hôi thối từ việc chôn lấp và đốt rác. Có nhà nằm cách bãi rác hơn 500 m nhưng vẫn bị ảnh hưởng, nhất là mỗi lần gió quẩn. Gia đình anh Y Luet Niê chuyển đến buôn Pu năm 2003 khi đó bãi rác còn nhỏ nên lượng ruồi không đáng kể, nhưng từ khi bãi rác được mở rộng lại có rất nhiều ruồi. Trung bình mỗi ngày nhà anh phải bỏ ra 10.000 đồng để mua vỉ dính ruồi. Tuy nhiên điều anh lo lắng nhất là sức khỏe của 2 đứa con khi mà thường xuyên bị ho, uống thuốc mãi không khỏi.

Cũng theo người dân xã Ea Knuêk, khối lượng rác tập trung về bãi rác chưa đến mức quá tải, chỉ chiếm khoảng 2/3 diện tích của hố, thế nhưng rác không được đổ xuống hố mà lại đổ ngay trên miệng hố thậm chí là đổ tràn ra cả đường đi. Trước tình trạng trên, người dân của 5 buôn này đã nhiều lần có ý kiến đề nghị chính quyền địa phương xử lý nguồn rác hợp lý hơn hoặc di dời bãi rác ra khỏi khu dân cư để không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân, nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Ông Trần Đàm, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Knuêk cho biết: Bãi rác của xã nằm cách nơi ở của người dân 2 km nên không gây ô nhiễm, tuy nhiên trong quá trình vận chuyển thì xe rác có đi qua khu dân cư, xã cũng thường xuyên nhắc tổ thu gom phải che kín thùng xe, không để rác rơi trên đường. Lý giải về việc có nhiều hộ dân sống gần bãi rác, ông Đàm cho rằng bãi rác có trước khi những hộ dân này đến sinh sống, bởi năm 2006, sau khi được Nhà nước cấp đất canh tác theo Chương trình 132, 134 thì một số hộ không có đất ở nên đã làm nhà ngay trên phần đất nông nghiệp. Còn về nguyên nhân rác tràn ra đường, theo ông Đàm một phần là do trời mưa xe không xuống bãi rác được nên đổ tạm trên thành hố đợi đến khi trời nắng sẽ đốt, một phần là do sự thiếu ý thức của một số người khi đi lượm ve chai. 

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.