Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả trạm cấp nước bằng năng lượng mặt trời - Nhìn từ công trình nước sạch xã Ea Phê

14:47, 26/06/2017

Nước sạch là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống, việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại Trạm cấp nước xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) mở ra kỳ vọng mới trong việc duy trì hoạt động của các trạm cấp nước nông thôn.

Trạm cấp nước xã Ea Phê được xây dựng năm 2008 từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường và các nguồn vốn khác với tổng số tiền hơn 7,4 tỷ đồng. Theo đó, công trình (CT) gồm có 3 giếng khoan (sâu 60 m), bể chứa và trạm bơm cấp 1-bơm nước từ giếng khoan lên bể và trạm bơm cấp 2-bơm nước từ bể chứa đến 1.200 hộ dân sử dụng nước trên địa bàn.

Những ngày nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước lớn nhưng lại thường xuyên bị cúp điện khiến người dân không có nước để sử dụng. Mặt khác, chi phí sản xuất 1m3 nước là 7.250 đồng nhưng giá nước lại bán theo quy định của UBND tỉnh trung 5.750 đồng, đe dọa sự hoạt động bền vững của CT. Để duy trì hiệu quả hoạt động của trạm, tháng 11-2016,Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường Đắk Lắk đã lắp đặt hệ thống biến tầng, pin năng lượng mặt trời, 2 máy bơm Grundfos với tổng trị giá gần 600 triệu đồng cho trạm bơm cấp 2. Qua 8 tháng hoạt động cho thấy, hệ thống pin này đã tiết kiệm khoảng 40-50% chi phí tiền điện; cụ thể, chi phí điện sản xuất giảm từ 1,2kWh/1m3 xuống còn hơn 0,7kWh/m3 nhưng công suất hoạt động vẫn bảo đảm đủ nước cho các hộ dân sử dụng.

Chị Trần Thị Hiền, thôn 4, xã Ea Phê nhà có 4 nhân khẩu cho biết, gia đình chị đã sử dụng nước sạch từ Trạm cấp nước xã Ea Phê hơn 6 năm nay. Hiện tại, chị thấy nước vẫn chảy đều và không xảy ra tình trạng cúp nước khi cúp điện như những năm trước.

Tương tự, ông Thái Văn Hưng, thôn Phước Lộc 3, cách trạm 1,5 km cho biết, gia đình ông sử dụng nước sạch từ công trình từ năm 2009 đến nay; nước vẫn được cung cấp đều đặn đáp ứng đủ nhu cầu của gia đình 6 người, không xảy ra tình trạng cắt nước hay nước chảy yếu vào những thời điểm nắng nóng cao điểm trong năm hay khi mất điện. Không chỉ duy trì hoạt động hiệu quả mà việc quản lý, vận hành công trình cấp nước cũng thuận lợi hơn.

Anh Trần Văn Hưng, cán bộ quản lý trạm cho biết, trạm cấp nước Ea Phê hiện nay đang hoạt động dựa vào hai nguồn năng lượng: điện lưới và điện năng lượng mặt trời. Việc lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời tại trạm bơm cấp 2 giúp việc vận hành CT đơn giản, thuận lợi hơn. Đặc biệt, bơm có thể sử dụng dòng điện một chiều và xoay chiều, có thể hoạt động từ nguồn điện 40V đến hơn 220V rất linh động và hạn chế tình trạng hư hỏng máy bơm do nguồn điện không ổn định.

Anh Trần Văn Hưng, cán bộ quản lý Trạm cấp nước xã Ea Phê kiểm tra hệ thống bơm  chạy bằng năng lượng mặt trời.
Anh Trần Văn Hưng, cán bộ quản lý Trạm cấp nước xã Ea Phê kiểm tra hệ thống bơm chạy bằng năng lượng mặt trời.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 136 CT cấp nước nông thôn trong đó 29 CT hoạt động bền vững, 40 CT hoạt động trung bình, 21 CT hoạt động kém hiệu quả, 46 CT ngừng hoạt động. Hiện nay, điện năng là chi phí lớn nhất và cũng là rào cản trong hoạt động của các CT, ước tính chi phí này chiếm khoảng 37% doanh thu của các CT. Nếu áp dụng hệ thống bơm năng lượng mặt trời thì các CT có thể giảm từ 40-50% chi phí tiền điện mỗi năm. Tại Đắk Lắk số giờ nắng trung bình trong năm vào khoảng 2.400 giờ, tổng xạ trung bình Q = 150.32 (kcal/cm2) rất thích hợp cho việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời.

Ông Phạm Ngọc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, hầu hết các công trình cấp nước nông thôn thường có số vốn đầu tư lớn nhưng chỉ hoạt động được một thời gian rồi ngưng do thu không đủ chi tiền điện, gây lãng phí cả CT, trong khi đó, khi xây dựng CT chỉ cần lắp đặt thêm hệ thống năng lượng mặt trời với chi phí chiếm khoảng 10-20% (tùy vào quy mô CT) là có thể duy trì hoạt động ổn định, lâu dài. Bởi, bản thân máy bơm năng lượng mặt trời có thể hoạt động trực tiếp từ hai nguồn năng lượng: điện lưới và điện năng lượng mặt trời mà không cần dùng ắc-qui trữ điện; tự động sử dụng năng lượng mặt trời khi có nắng và chuyển sang điện lưới khi không có nắng mà không cần sự tác động của yếu tố con người nên tuổi thọ CT cũng cao hơn.

Việc chuyển dần sang sử dụng năng lượng tái tạo đang là xu thế của thế giới nhằm giảm bớt tác động đến môi trường, bản thân nguồn năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch không gây ô nhiễm môi trường, là giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu một cách hữu hiệu. Do đó, việc đầu tư hệ thống cấp nước bằng năng lượng mặt trời là giải pháp hiệu quả đưa nước sạch đến khu vực nông thôn trong điều kiện lưới điện ở khu vực này còn thiếu và yếu.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc