Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ tự quản bảo vệ môi trường

08:39, 27/06/2017

Hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) đã được các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng cơ sở hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Thực tế đã minh chứng những lợi thế và kinh nghiệm của phụ nữ trong việc huy động cộng đồng và các thành viên trong gia đình tham gia BVMT thông qua việc thay đổi cơ cấu cây trồng, phân loại rác thải tại nguồn, đoạn đường phụ nữ tự quản, nói không với túi ni lông, lựa chọn sản phẩm hữu cơ…

Đơn cử như cách làm của Hội Phụ nữ xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) ngoài việc huy động chị em phụ nữ luôn giữ sạch nhà, sạch ngõ thì còn thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường các khu vực công cộng vào những ngày cuối tuần. Không những thế, mới đây Hội còn vận động chị em tham gia dọn vệ sinh và trồng cây cỏ lạc dọc hai bên đường ở thôn 3. Theo đó, các hội viên phụ nữ sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc, dọn cỏ, tưới nước (vào mùa khô) trước khu vực nhà mình để đảm bảo cây cỏ lạc phát triển tốt và tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho con đường. Được biết, từ lâu nay, nhiều gia đình hội viên phụ nữ đã trồng loài cây này trước ngõ và trong vườn nhà mình. “Nhận thấy lợi ích ngoài việc tạo lớp thảm thực vật xanh, đẹp mắt, loại cây này còn được đánh giá cao trong việc cải tạo đất, phòng tránh khi trời mưa gây xói lở, tràn bùn đất xuống lòng đường nên trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ trên tất cả các con đường Phụ nữ tự quản của xã, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới của địa phương”, bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Tu khẳng định.

Phụ nữ xã Ea Tu và Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) tham gia dọn vệ sinh môi trường.
Phụ nữ xã Ea Tu và Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) tham gia dọn vệ sinh môi trường.

Là một trong những đơn vị vận động chị em phụ nữ làm tốt công tác bảo vệ thiên nhiên và môi trường, Hội LHPN huyện Cư M’gar đã có nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực góp phần cùng xã hội hướng tới một cuộc sống xanh. Đó là việc thành lập những tuyến đường phụ nữ tự quản, hàng cây xanh, đoạn đường hoa, sử dụng giỏ nhựa để đi chợ… Đến nay, toàn huyện đã vận động được hơn 8.000 hộ gia đình phụ nữ tham gia mô hình "Xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình", gần 600 hộ đào hố xử lý rác thải trong vườn nhà; hơn 14.000 hộ làm nhà vệ sinh, nhà tắm đạt tiêu chuẩn; gần 10.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (do phụ nữ làm chủ hộ) tận dụng các vật dụng sẵn có để làm nhà vệ sinh; trên 35.000 lượt hội viên, phụ nữ thường xuyên tham gia các hoạt động dọn vệ sinh, thu gom rác thải, phát quang bụi rậm. Nhiều phụ nữ đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động người thân, hàng xóm và cộng đồng cùng tham gia BVMT.

Nhiều mô hình, cách làm có hiệu quả khác như Chi hội phụ nữ buôn Ka La (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) trồng cây chuối lấy lá thay túi ni lông để gói thực phẩm khi đi chợ hay mua hàng; phụ nữ thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) tự phân loại rác thải tại nguồn vừa bảo vệ môi trường vừa tạo nguồn thu nhập từ thu gom phế liệu ; phụ nữ buôn Tring (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) xây dựng nhà tiêu, nhà tắm phục vụ người đi  đường…

Quả thật, có thể nói rằng, chị em phụ nữ vừa là người trực tiếp vừa là tuyên truyền viên tích cực nhất trong việc vận động người thân, hàng xóm và cộng đồng tham gia giữ gìn vệ sinh, góp phần xây dựng môi trường sống trong lành.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.