Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk "trắng" xã đạt tiêu chí môi trường

11:42, 12/01/2018

Tính đến hết năm 2017, huyện Lắk đã đạt được 83/190 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đạt kế hoạch đề ra (hoàn thành từ 80-85 tiêu chí). Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các tiêu chí, địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm.

Theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg, ngày 17-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm nông thôn mới đối với các xã khu vực Tây Nguyên là ≥ 95% tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định; 100% tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường; 60% tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường; ≥ 70% tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và bảo đảm 3 sạch…

Xe thu gom rác tại xã Đắk Liêng.
Xe thu gom rác tại xã Đắk Liêng.

Để đạt được tỷ lệ về tiêu chí môi trường, đặc biệt ở các xã vùng III, xã khó khăn như ở huyện Lắk sẽ không hề dễ dàng. Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia huyện Lắk cho biết, hằng năm các ngành chuyên môn thường xuyên hướng dẫn UBND các xã trong việc quản lý, xử lý chất thải theo quy định, trong đó tập trung vào việc quản lý chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, hệ thống tiêu thoát nước, thành lập các tổ thu gom rác… Tuy nhiên theo thống kê, tính đến cuối năm 2017, hầu hết các xã đã có quy hoạch về bãi rác tập trung, nghĩa địa chôn cất nhưng chưa thể triển khai xây dựng, bởi thiếu kinh phí để giải phóng, san ủi mặt bằng và xây dựng. Hầu hết các xã đều chưa có xe thu gom rác cũng như lực lượng làm nhiệm vụ nên ở các khu dân cư, người dân chủ yếu tự đốt rác thải hoặc vứt ở các tuyến đường, chân cầu…, gây ô nhiễm môi trường nặng và làm mất mỹ quan. Chưa kể, tại các xã tình trạng nước thải chăn nuôi xả trực tiếp ra môi trường diễn ra rất phổ biến; khu chăn nuôi chủ yếu bố trí liền kề với khu vực nhà ở, nơi sinh hoạt của các hộ gia đình nên gây mùi hôi thối, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống.

Về nước sạch, đến nay toàn huyện có 12 công trình cấp nước tập trung đã được đưa vào sử dụng, với quy mô thiết kế từ 32 – 288 m3/ngày đêm; tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2017 là 88%. Tuy nhiên, do thời gian sử dụng lâu, cùng với đó công tác vận hành, quản lý còn hạn chế nên một số công trình bị hư hỏng, xuống cấp, thậm chí ngừng hoạt động. Hằng năm, huyện đã trích kinh phí để sửa chữa, nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Người dân nhiều khu dân cư, thậm chí ngay trung tâm thị trấn Liên Sơn phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn rất lớn, vào mùa khô phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn để mua nước sinh hoạt hằng ngày.

Quốc lộ 27 đoạn qua xã Yang Tao đầy rác thải.
Quốc lộ 27 đoạn qua xã Yang Tao đầy rác thải.

Tại xã Yang Tao, tính đến cuối năm 2017 chỉ hơn 44% tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định; 30% cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường; 0% hộ chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm vệ sinh. Trong khi đó, tại xã Bông Krang có hai công trình cấp nước tập trung, nhưng nhiều năm nay bị hư hỏng không sử dụng được, tất cả người dân đều phải sử dụng nguồn nước từ giếng đào hoặc giếng khoan nhiễm phèn. Cũng như nhiều xã khác trên địa bàn huyện, bãi rác của xã đã được quy hoạch nhưng chưa được xây dựng, chưa có xe thu gom và xử lý chất thải. Còn tại xã Đắk Phơi, mặc dù đã quy hoạch nghĩa địa, nhưng việc chôn cất người chết vẫn mang nặng phong tục tập quán, một số hộ dân chưa thực sự tự giác chôn cất tập trung làm ảnh hưởng đến môi trường nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Vương, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường  huyện cho biết, Lắk là một trong những huyện nghèo của tỉnh, do đó để đạt được các tiêu chí đòi hỏi nguồn kinh phí lớn như tiêu chí môi trường là rất khó. Từ trước đến nay, các xã cũng đã huy động các tổ chức đoàn thể tham gia, hưởng ứng các chương trình bảo vệ môi trường tại khu dân cư như thu gom rác, khơi thông cống rãnh, phát quang cây cỏ, trồng cây xanh…, nhưng đây chỉ là những giải pháp trước mắt tại một thời điểm nhất định nên hiệu quả không cao. Về lâu dài, trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp, các ngành chức năng của huyện sẽ triển khai giải pháp kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.

Theo Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 20-9-2017 của UBND huyện Lắk thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, địa phương phấn đấu đến năm 2020 có 1/10 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. 

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc