Mối nguy ô nhiễm nhựa và ni lông
Ngày Môi trường thế giới năm 2018 có chủ đề: “Cần giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen hằng ngày để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa tới môi trường tự nhiên và sức khỏe.
Trên thực tế, trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, nhiều đồ dùng, vật dụng bằng nhựa và ni lông với ưu thế nhẹ, tiện lợi, rẻ đang dần thay thế đồ đồng, nhôm, sắt. Tuy nhiên, rất ít người hiểu được tác hại của việc lạm dụng những chiếc túi ni lông, vật dụng nhựa đang từng ngày tác động xấu đến môi trường và sức khỏe người sử dụng.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khi ở môi trường tự nhiên, một túi ni lông phải mất 200 - 500 năm mới phân hủy; nếu chôn lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nước, cản trở sự sinh trưởng và phát triển các loại thực vật, là nguyên nhân của sự xói mòn đất, ảnh hưởng đến sự phát triển sinh thái trong vùng. Mặt khác, nếu đốt ni lông sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc. Nguy hiểm nhất là túi ni lông có thể gây nhiễm độc cho thực phẩm nếu sử dụng để đựng các thực phẩm có tính chua như dưa muối, cà muối, thực phẩm nóng…
Rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện vẫn đang được xử lý tại bãi rác Cư Êbur. (Ảnh minh họa) |
Một kết quả khảo sát mới đây nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 223 túi ni lông (tương đương 1 kg/tháng). Trong đó, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông.
Trên địa bàn tỉnh cũng dễ nhận thấy việc lạm dụng túi ni lông, vật liệu nhựa được thể hiện qua hình ảnh những điểm tập kết, chôn, lấp, xử lý chất thải tràn ngập các loại túi ni lông, nhựa với đủ các kích cỡ, màu sắc, chiếm phần lớn so với các loại rác thải, phế thải khác. Mặc dù các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã có nhiều khuyến cáo, tuyên truyền việc hạn chế sử dụng túi ni lông; thí điểm sử dụng túi ni lông thân thiện môi trường trong sinh hoạt… nhưng vẫn chưa thể thay đổi thói quen của hầu hết người dân. Nếu thời gian tới vẫn không có giải pháp thiết thực trong việc hạn chế dùng túi ni lông thì không bao lâu nữa đường phố, kênh rạch, ruộng đồng… khắp mọi nơi sẽ tràn ngập túi ni lông, môi trường sẽ bị hủy hoại nặng nề và khó có thể khắc phục.
Thiết nghĩ, để giải quyết tình trạng này, việc làm trước hết là cần tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị, tiểu thương các chợ… cắt giảm sử dụng nhựa, giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và ni lông; song song đó cần đẩy mạnh, tăng cường sản xuất và phổ biến rộng rãi các sản phẩm, vật dụng từ vật liệu thân thiện với môi trường; đặc biệt là phải có giải pháp để thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông của người dân.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc