Multimedia Đọc Báo in

Quản lý chất thải vì môi trường nông thôn bền vững

08:09, 20/09/2018

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn từ sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi đã trở thành vấn đề đáng lo ngại, là nỗi bức xúc của nhiều người. Dẫu nhiều đơn vị, địa phương đã có giải pháp, mô hình thu gom, xử lý rác thải, nhưng việc xử lý một cách hiệu quả, bền vững thì hầu hết vẫn chưa làm được.

Ô nhiễm do thiếu ý thức

Theo đánh giá của ngành Tài nguyên và Môi trường, những năm qua, công tác thu gom chất thải tại khu vực nông thôn vẫn chưa thực sự được coi trọng. Ở nhiều khu vực thôn, buôn, chất thải rắn sinh hoạt chưa được đơn vị chuyên trách thu gom, xử lý. Một số địa phương dù đã áp dụng các biện pháp thu gom rác thải nhưng chỉ mới dừng lại ở quy mô nhỏ; phần lớn do các hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc một nhóm người đứng ra tự tổ chức thu gom với phương tiện còn rất thô sơ là các xe cải tiến rồi chuyên chở về nơi tập trung rác.

Xe thu gom rác trên  địa bàn xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột.
Xe thu gom rác trên địa bàn xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột.

Đơn cử như trên tuyến Quốc lộ 26, đoạn qua xã Krông Búk (huyện Krông Pắc), rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi hai bên đường cả một đoạn dài, không chỉ gây mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân sống gần đó. Được biết, tình trạng ô nhiễm do rác thải ở đoạn đường này diễn ra từ nhiều năm nay. Nguyên nhân do địa phương chưa có đơn vị chuyên thu gom rác thải sinh hoạt nên rất nhiều hộ ở các thôn, buôn khác đã chọn những đoạn đường thưa nhà dân để đem rác thải đến bỏ. Trước tình trạng này, chính quyền địa phương đã nhiều lần huy động các tổ chức, đoàn thể và người dân tham gia dọn vệ sinh bằng cách gom rác lại đốt nhưng chỉ sau một thời gian ngắn nhiều hộ thiếu ý thức lại đem rác thải đến vứt như cũ.

Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2018 có chủ đề "Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững” nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác quản lý môi trường, đặc biệt là công tác quản lý chất thải tại các khu vực nông thôn.

Song song đó, tình hình ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn càng nghiêm trọng hơn khi các hộ dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, trồng trọt. Điều này không chỉ tác động đến nguồn nước, tài nguyên đất mà còn dẫn đến việc rác thải từ bao bì, chai lọ đựng thuốc sau khi sử dụng vứt bỏ ngổn ngang trên đồng ruộng, ao hồ, bờ kênh. Hay như tình trạng chăn nuôi gia súc thả rông ở nhiều buôn đồng bào dân tộc thiểu số cũng là nguyên nhân khiến môi trường sống của người dân vùng nông thôn bị ảnh hưởng không hề nhỏ.

Cần tăng cường các biện pháp

Xuất phát từ thực trạng trên, một số địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; đồng thời, đề ra nhiều giải pháp xử lý. Đơn cử cách làm của UBND xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) trong việc thu gom chai lọ thuốc bảo vệ thực vật. Từ tháng 10-2016, UBND xã đã lắp đặt 15 bể chứa rác thải tại 15 cánh đồng ở các thôn, buôn trên địa bàn xã để người dân tự giác thu gom chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng rồi cho vào bể chứa. Các bể chứa này được đặt ở những điểm phù hợp, thuận lợi tại mỗi thôn, buôn để người dân có thể thấy và bỏ rác thải để tránh tình trạng vứt các chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, hiện địa phương vẫn đang lo ngại việc những chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi thu gom lại được tập kết vào bãi rác xử lý chất thải sinh hoạt chung chứ không xử lý theo quy định.

Ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), việc thu gom và xử lý rác thải vẫn chủ yếu do người dân tự thực hiện. Bà Lại Thị Ái, Thôn trưởng thôn 2 cho biết, toàn thôn có trên 225 hộ, nhưng do một số hộ điều kiện kinh tế khó khăn, số khác thì ở cách mặt đường chính khá xa nên đến nay mới chỉ có khoảng 50 hộ đăng ký dịch vụ thu gom rác thải với Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đô thị và Môi trường tỉnh. Những hộ còn lại thì xử lý rác thải bằng cách đào hố chôn lấp hoặc tập kết sau vườn nhà để đốt.

Bể chứa chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng ở xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông.
Bể chứa chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng ở xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông.

Thực tế hiện nay việc thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn ở nhiều địa phương đang là vấn đề nan giải, khó khăn. Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh mới có trên 57% số hộ chăn nuôi có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh; gần 64% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; đồng thời, chỉ mới có 17 đơn vị dịch vụ công ích hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt và gần 20% số xã có hoạt động dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt... Do đó, để đảm bảo vệ sinh môi trường, nhất là vấn đề thu gom xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn, ngoài hoạt động thường xuyên của các tổ, đội thu gom và của đơn vị chuyên trách về môi trường, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc phân loại, xử lý rác thải. Về lâu dài, để giải bài toán bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm do rác thải sinh hoạt ở các địa phương vẫn là việc khuyến khích đầu tư thành lập thêm các đơn vị thu gom, xây dựng hệ thống xử lý chất thải tiên tiến, bảo đảm các quy định và đặc biệt phải có hình thức xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi xả rác bừa bãi, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư và nơi công cộng.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.