Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực giữ vững tiêu chí môi trường ở xã nông thôn mới

08:36, 25/10/2018

Hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã vốn đã khó, song việc giữ vững tiêu chí này còn khó khăn hơn bởi ngoài vấn đề kinh phí còn liên quan tới nhiều vấn đề khác như tập quán, thói quen, ý thức của người dân...

Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm được xem là “nút thắt” khó tháo gỡ nhất trong xây dựng NTM. Trong tiêu chí này đề cập đến các nội dung: số hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định; cơ sở sản xuất, kinh doanh, môi trường thủy sản, làng nghề bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường; xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn; mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch; chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm...

Không ít người dân ở thôn Hải Châu (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) vẫn chưa được sử dụng nguồn nước  bảo đảm vệ sinh.
Không ít người dân ở thôn Hải Châu (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) vẫn chưa được sử dụng nguồn nước bảo đảm vệ sinh.

Với nhiều chỉ tiêu “con”, nên khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM nhiều xã phải chật vật mới đạt được. Đơn cử như ở xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các tiêu chí số 17. Cụ thể, địa phương đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động cũng như tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa để bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh – sạch – đẹp. Trong đó, phải kể đến việc vận động được khoảng 80% hộ dân ký kết hợp đồng thu gom rác thải sinh hoạt; trên 75% số cơ sở sản xuất, chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm vệ sinh; trên 90% số hộ dân có nhà tiêu, nhà  tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và bảo đảm 3 sạch; 97% hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm…

 Với những kết quả đó, cuối năm 2016, địa phương đã cơ bản hoàn thành tiêu chí môi trường và đến đầu năm 2018 đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, dù đã về đích nhưng hiện nay xã Bình Hòa vẫn đang nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế như: thói quen đổ rác thải bừa bãi, tư tưởng “sạch nhà, bẩn ngõ” của một bộ phận người dân vẫn chưa được khắc phục khiến tình trạng ô nhiễm từ rác thải vẫn còn xảy ra ở một số thôn, buôn; số hộ dân được sử dụng nước sạch vẫn còn rất ít với khoảng 40% hộ dân (dùng hệ thống máy, bể lọc nước)... Ông Lê Như Diệu, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa cho biết: “Để khắc phục những tồn tại trên, địa phương đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư. Cùng với đó, đang kiến nghị cấp có thẩm quyền đầu tư hệ thống cấp nước sạch, xây dựng bãi xử lý chất thải ở xã để phục vụ đời sống nhân dân cũng như góp phần củng cố, giữ vững tiêu chí môi trường và xã nông thôn mới”.

Bãi rác xã Ea Ô (huyện Ea Kar) gây ô nhiễm môi trường.
Bãi rác xã Ea Ô (huyện Ea Kar) gây ô nhiễm môi trường.

Với xã Ea Ô (huyện Ea Kar), dù đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016 nhưng hiện nay vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc giữ vững tiêu chí số 17, cụ thể là tình trạng ô nhiễm môi trường ở bãi rác tập trung của xã. Đây là nơi tập kết rác thải của toàn xã với tổng diện tích khoảng 1 ha trên đỉnh đồi Sân Bay (ở giữa thôn 3 và thôn 4), cách khu dân cư khoảng 500 m. Do khu vực bãi rác nằm trên cao, trong khi người dân lại sinh sống tập trung phía dưới chân đồi nên thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối và ruồi, nhặng từ bãi rác. Theo chính quyền địa phương, từ năm 2016, UBND xã Ea Ô đã trích ngân sách từ nguồn chi hằng năm của địa phương để thuê Công ty TNHH MTV Xây dựng Lập Hương thực hiện thu gom và chôn lấp rác tại bãi rác tập trung này. Tuy nhiên, do lượng rác ùn ứ quá nhiều đã gây nên tình trạng ô nhiễm. Trong khi đó, theo đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được UBND tỉnh và huyện phê duyệt thì bãi rác tập trung của xã Ea Ô đặt tại thôn 2C có diện tích khoảng 2 ha, cách trung tâm xã khoảng 10 km, nhưng do thiếu kinh phí thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng nên chưa thể xây dựng.

Quả thực, không chỉ ở xã Bình Hòa và Ea Ô mà việc giữ vững tiêu chí môi trường sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM vẫn là khó khăn của nhiều xã khác trên địa bàn tỉnh; đó là chưa nói đến việc thực hiện thiếu tính bền vững hay dù hoàn thành chương trình xây dựng NTM nhưng hiện vẫn đang “nợ” một vài chỉ tiêu "con" trong tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm.

Tính đến tháng 6-2018, toàn tỉnh có 30 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; riêng về tiêu chí số 17 có 66/152 xã đạt (chiếm 43,4%). Để giữ vững cũng như thực hiện tiêu chí môi trường rất cần sự quan tâm, góp sức của các cấp, ngành cũng như huy động mọi nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc