Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng: Còn nhiều việc cần làm
Thời tiết trên địa bàn tỉnh đang ngày càng có nhiều diễn biến bất thường gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Theo đó, vấn đề quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng được xem là giải pháp thích hợp để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thiên tai xảy ra bất thường
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, những năm gần đây, thời tiết không còn diễn ra theo quy luật hằng năm mà có sự thay đổi thất thường. Đơn cử như năm 2018 mùa mưa bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm, phổ biến từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, khu vực phía Đông tỉnh muộn hơn, từ khoảng đầu tháng 5. Lượng mưa trung bình trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 90,1% so với lượng mưa trung bình nhiều năm, đặc biệt tại một số khu vực đạt mức thấp như các huyện M’Đrắk (87,3%), Krông Pắc (78,4%), Buôn Đôn (80,7%)... Những địa phương này đang chuẩn bị tâm thế để đối mặt với tình trạng thiếu nước trong mùa khô năm 2019.
Thế nhưng đến cuối tháng 12-2018 và đầu tháng 1-2019, mưa lớn bất thường, kéo dài ở vùng đầu nguồn (khu vực M’Đrắk, Ea Kar) đã làm cho mực nước sông Krông Ana dâng cao, gây ngập lụt ở khu vực hạ lưu, chủ yếu ở huyện Lắk, Krông Bông và huyện Krông Ana khiến hơn 3.000 ha cây trồng vụ đông xuân 2018 - 2019 (chủ yếu là cây lúa) bị ngập sâu trong nước. Tổng thiệt hại ước tính trên 24 tỷ đồng.
Tình trạng khô hạn trên địa bàn huyện Ea Kar xảy ra hồi tháng 9-2018. |
Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ lốc tố, dông sét, tập trung chủ yếu vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5; 3 đợt mưa lũ, ngập lụt vào các tháng 8, 9, 12; 2 đợt hạn hán cục bộ tại một số huyện vào tháng 9 và tháng 11. Thiên tai đã làm 4 người chết và 6 người bị thương (do lốc tố, dông sét và mưa lũ); có 1.832 ngôi nhà bị hư hỏng; 17 phòng học bị tốc mái, hư hỏng; 11.389 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng, trong đó 4.015 ha mất trắng. Ngoài ra, còn một số diện tích nuôi trồng thủy sản và công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng. Thiệt hại ước tính hơn 268 tỷ đồng.
Riêng 4 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có hơn 4.626 ha cây trồng các loại bị thiếu nước tưới và có 2.265 hộ trên địa bàn các huyện Cư M’gar, Ea Súp thiếu nước sinh hoạt. Lốc tố cũng đã xảy ra trên địa bàn huyện Ea Súp khiến 1 người bị thương, 42 nhà dân (xã Ea Lê 5 nhà, xã Ya Tờ Mốt 37 nhà) bị tốc mái và 3 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng. Ước tính thiệt hại hơn 600 triệu đồng.
Khi thiên tai xảy ra, công tác chỉ đạo, chỉ huy, tham mưu ứng phó, khắc phục hậu quả đã được tỉnh quan tâm tích cực, nhất là các đợt thiên tai lớn. Trên cơ sở phương án ứng phó, các giải pháp phù hợp đã được đề xuất nhanh chóng, kịp thời và triển khai có hiệu quả nên đã giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, đã huy động lực lượng vũ trang làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời.
Mặc dù vậy, công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ngân sách đầu tư cho phòng chống thiên tai của tỉnh hằng năm không đáp ứng yêu cầu thực tế, đặc biệt là kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai và khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, năng lực cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp; ý thức của một số bộ phận người dân còn chủ quan trước thiên tai, điều kiện sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu chưa đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu nên dễ bị tổn thương và thiệt hại khi xảy ra thiên tai; phương châm “4 tại chỗ” của một số địa phương, vùng khó khăn chưa đảm bảo nguồn lực...
Cần nâng cao nhận thức, vai trò của cả cộng đồng
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra thì công tác phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính. Đó là phải tăng cường vai trò của cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp trong việc tổ chức phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Đầu tư trong giai đoạn phòng ngừa sẽ mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với giai đoạn ứng phó, khắc phục hậu quả.
Nhiều diện tích lúa bị mất trắng do tình trạng khô hạn trên địa bàn huyện Ea Kar xảy ra hồi tháng 9-2018. |
Với sự cần thiết đó, Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại Đắk Lắk (giai đoạn 2016 - 2020) đã được triển khai thực hiện để nâng cao nhận thức cộng đồng và tổ chức có hiệu quả mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho các cấp, các ngành, nhất là chính quyền cấp cơ sở (phường, xã, thị trấn), người dân sống ở khu vực thường xuyên có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, ổn định xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua hơn 3 năm triển khai, do thiếu kinh phí nên Đề án cũng chỉ mới tập trung vào công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ cấp cơ sở tham gia công tác phòng chống thiên tai để triển khai các nội dung: phổ biến pháp luật về phòng chống thiên tai; nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai… Vì vậy, sức lan tỏa, hiệu quả của Đề án không cao.
Nhiều cánh đồng lúa ở Lắk bị ngập sâu trong nước trong đợt lũ lụt đầu tháng 1-2019. |
Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, đây là một Đề án rất thiết thực, phù hợp trong việc ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu. Do đó, để Đề án đạt được mục tiêu đề ra và hiệu quả tốt nhất, còn rất nhiều việc phải làm từ việc nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ làm công tác phòng chống thiên tai để tổ chức tốt công tác truyền thông làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, đến việc xây dựng các công trình phục vụ công tác cảnh báo cho người dân. Và điều trước mắt cần làm là chính quyền các cấp cần quan tâm, tăng cường công tác chỉ đạo và bố trí kinh phí để triển khai những nội dung trong Đề án…
Mục tiêu của Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là đến năm 2020 có 100% cán bộ của các xã ở vùng thường xuyên bị thiên tai (khoảng 110 xã) được tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai theo quy định; trên 90% các xã trên địa bàn tỉnh ở những khu vực thường xuyên và có nguy cơ cao xảy ra thiên tai xây dựng kế hoạch phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai dài hạn, trung hạn; trên 85% số dân các xã trong tỉnh thuộc vùng thường xuyên bị thiên tai (khoảng 1,1 triệu người) được phổ biến kiến thức phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai... |
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc