Multimedia Đọc Báo in

Đảo lộn cuộc sống vì rác từ kênh thủy lợi

09:26, 12/08/2019

Từ khi tuyến kênh chính N1 dẫn nước từ hồ Ea Kao đến cánh đồng buôn M’Brê (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) đi vào hoạt động thử nghiệm đến nay, cuộc sống của người dân ở cuối hệ thống kênh phải đối diện với tình trạng rác thải ùn ứ, xâm lấn đất canh tác, gây ô nhiễm môi trường.

Bỏ ruộng vườn vì rác thải

Có nhà ở và vườn nằm điểm cuối hệ thống kênh thủy lợi N1 dẫn nước từ hồ Ea Kao đến cánh đồng buôn M’Brê, gia đình ông Phạm Bá Đồng (thôn 3, xã Hòa Phú) là hộ chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi hệ thống kênh này hoạt động. Do không có hệ thống kênh nhánh, nước thủy lợi thường chảy thẳng vào phần đất của gia đình ông, có khi gây ngập suốt một tuần. Không chỉ ngập nước, rác cũng theo về, trôi lênh láng xung quanh nhà, từ rác thải sinh hoạt, vỏ thuốc trừ sâu đến xác heo, bò, dê, gà, chó...

Ban đầu, ông phải khơi mương, kéo rác lên hai bên bờ, đào hố chôn xác động vật để tránh bốc mùi hôi thối và lây lan mầm bệnh. Về sau, lượng xác động vật ngày một nhiều, ông không thể chôn xuể đành mặc kệ cho chúng trôi xuống phía cánh đồng.

Đoạn đường trước nhà ông Phạm Bá Đồng (thôn 3, xã Hòa Phú) đã trở thành mương chứa rác thải từ kênh thủy lợi.
Đoạn đường trước nhà ông Phạm Bá Đồng (thôn 3, xã Hòa Phú) đã trở thành mương chứa rác thải từ kênh thủy lợi.

Đầu năm 2019, gia đình ông Đồng phải tự thuê xe đổ đất nâng nền sân và đào mương từ cửa xả của kênh ra cánh đồng ngay trước nhà để chống ngập. Hộ dân trồng lúa bên phía cánh đồng cũng đắp bờ cao chắn rác tràn vào ruộng. Vì thế, phần đất vốn là con đường dẫn vào nhà bà H’Dang Ađrơng (buôn M’Brê) bị trũng sâu và biến thành con mương chứa rác thải, thường xuyên bốc mùi hôi thối.

Ông Đồng than thở, gia đình ông đã phải thuê đất trồng rau ở nơi khác chứ không thể canh tác trên vườn nhà như trước đây vì sợ ngập nước và ô nhiễm. Nhiều hôm, mùi xú uế theo gió xộc thẳng vào nhà, cả gia đình ông phải vào vườn rau mới thuê để tạm lánh, mấy ngày sau mới dám trở về.

Cách vị trí nhà ông Đồng khoảng 500 m, nửa sào ruộng khác cũng đang phải bỏ hoang vì rác thải. Ông Nguyễn Sơn Hải (thôn 3, xã Hòa Phú) cho hay, mảnh ruộng này vốn có diện tích khoảng 2 sào, do một hộ khác canh tác ổn định nhiều năm nay. Mảnh ruộng nằm ngay vị trí cửa xả nên mỗi khi nước thủy lợi về lại trở thành điểm chứa các loại rác thải, xác động vật, bốc mùi hôi thối. Thấy chủ ruộng bỏ canh tác, ông Hải xin cải tạo lại để kịp gieo sạ vụ hè thu năm nay. Khi làm đất, ông Hải phải cào rác dồn vào phần ruộng gần vị trí cửa xả, chấp nhận bỏ hoang nửa sào đất để cây dại mọc lên cản rác tràn ra ruộng. Ông Hải ước tính, đến nay, lớp rác bồi đắp ở đây phải dày hàng mét.

Chính quyền chưa thật sự mạnh tay

Tuyến kênh N1 có chiều dài 6,41 km, dẫn nước từ hồ Ea Kao qua địa bàn các xã Ea Kao, Hòa Khánh, Hòa Phú. Trong đó, đoạn qua xã Hòa Phú có chiều dài khoảng 2 km. Ông Từ Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, do chưa xây dựng được hệ thống kênh N2, N3 nên vẫn chưa thực hiện điều tiết nước phục vụ sản xuất từ hệ thống kênh này. Nước chảy vào đoạn kênh thời gian qua chủ yếu là từ việc vận hành thử nghiệm và tiêu nước khi các cánh đồng phía trên đã lấy đủ nước phục vụ sản xuất.

 

Dự kiến, hệ thống kênh N2, N3 sẽ được thi công vào năm 2020. Khi hệ thống cấp nước cho cánh đồng hoàn thiện, nước thủy lợi điều tiết thường xuyên, lượng rác thải sẽ giảm".

 
Ông Từ Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú

Về tình trạng rác thải, các ngành chức năng của xã đã ghi nhận phản ánh của người dân. Qua phối hợp kiểm tra cùng với ban tự quản các thôn dọc tuyến kênh N1 cho thấy nguồn rác thải chủ yếu từ xã Hòa Khánh trôi sang. Lãnh đạo UBND xã Hòa Phú đã liên hệ, đề nghị UBND xã Hòa Khánh tuyên truyền, vận động người dân không xả rác thải xuống kênh nhưng tình trạng trên chưa được cải thiện.

Bên cạnh đó, Hòa Khánh cũng là địa bàn đang xảy ra dịch tả heo châu Phi, vì vậy chính quyền và người dân xã Hòa Phú rất lo ngại mầm bệnh có thể phát tán, lây lan từ hành vi thiếu ý thức này. Xã đã chỉ đạo ban tự quản các thôn tuyên truyền, yêu cầu người dân chấp hành quy định về vệ sinh môi trường và báo ngay cho cán bộ thú y xã khi phát hiện xác động vật để thực hiện chôn lấp, tiêu độc, khử trùng.

Theo ông Thọ, việc truy tìm nguồn gốc và người vứt rác thải, động vật xuống kênh để xử phạt theo quy định không dễ thực hiện vì tuyến kênh dài, chảy qua các khu dân cư nằm xen lẫn với đất sản xuất. Về tình trạng xác động vật trôi theo dòng nước, xã cũng chỉ mới nghe người dân phản ánh chứ chưa trực tiếp ghi nhận trường hợp nào.

Ông Dương Tấn Khanh (thôn 3, xã Hòa Phú) phải túc trực để khơi thông rác, tránh tắc nghẽn làm nước tràn vào vườn nhà.
Ông Dương Tấn Khanh (thôn 3, xã Hòa Phú) phải túc trực để khơi thông rác, tránh tắc nghẽn làm nước tràn vào vườn nhà.

Người dân dọc tuyến kênh rất bất an khi ruộng vườn của mình ngày càng ô nhiễm và sợ rằng nước về càng nhiều thì rác thải càng dồn ứ thêm. Tình trạng trên đã xảy ra gần 1 năm qua song ngoài việc người dân vớt rác lên bờ để khơi thông dòng chảy thì vẫn chưa có biện pháp thu gom, xử lý lượng rác tồn đọng này. Trong khi đó, dọc tuyến kênh vẫn tồn tại nhiều điểm tập kết rác, nhất là tại điểm giao với các trục đường ngõ xóm.

Mỗi khi kênh có nước chảy, một số người dân lại cào luôn phần rác này xuống kênh để làm sạch đoạn đường trước nhà mình. Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, mạnh tay xử phạt những người thiếu ý thức theo đúng quy định pháp luật. Có như vậy mới đảm bảo tính răn đe, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của dân cư ven các tuyến kênh mương thủy lợi.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.