Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện cuộc vận động "Chống rác thải nhựa": Hãy bắt đầu từ công sở

14:46, 12/06/2020

Trong Công văn số 6629/UBND-NNMT, ngày 15-8-2019 về việc triển khai các hoạt động hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh, ngoài các phong trào, hoạt động để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc hạn chế tác động của rác thải nhựa đến môi trường, UBND tỉnh đặc biệt lưu ý đến các cơ quan, đơn vị với những yêu cầu cụ thể về không sử dụng túi ni lông, nước uống đóng chai, ống hút, khăn lau, các vật dụng bằng nhựa ...

Đến nay, sau gần 1 năm triển khai, nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và các hộ dân đồng tình hưởng ứng thực hiện. Cụ thể, chuyển từ việc sử dụng nước uống đóng chai, ống hút, khăn lau và các vật dụng bằng nhựa dùng một lần trong công sở và khi tổ chức các hội nghị, mít tinh, hội thảo, tiếp khách như trước sang việc tự đun nấu nước hoặc dùng các vật dụng tái sử dụng, các sản phẩm thân thiện môi trường như: cốc, chai thủy tinh sử dụng nhiều lần. Việc làm này vừa góp phần giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường vừa tiết kiệm chi phí ngân sách trong việc mua nước uống cho các đơn vị.

Hơn thế nữa, ở nhiều địa phương đã ký cam kết thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” với các nội dung cụ thể: không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy như ống hút, chai nước khoáng, hộp xốp, hộp nhựa đựng cơm và thức ăn, ly, chén, dĩa nhựa… trong các hoạt động; không thanh toán các khoản chi cho các loại nước uống đóng chai có thể tích 500 ml trở xuống; hạn chế tối đa và tích cực tái sử dụng các loại bì, hộp nhựa đựng tài liệu; đặc biệt, việc thực hiện phong trào này sẽ trở thành chỉ tiêu để đánh giá, xếp loại thi đua cuối năm...

Xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ) không còn sử dụng nước đóng chai trong công sở và các hội nghị.
Xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ) không còn sử dụng nước đóng chai trong công sở và các hội nghị.

Tuy nhiên, việc tích cực hưởng ứng thực hiện chủ yếu diễn ra ở các sở, ban, ngành của tỉnh và ở các huyện, thị xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Còn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, nhiều đơn vị, địa phương thuộc thành phố quản lý (phòng, ban, xã, phường...) chưa thực hiện nghiêm túc, vẫn còn sử dụng những vật dụng, sản phẩm bằng nhựa dùng một lần trong đơn vị và tại các buổi hội họp, tiếp khách...

Thiết nghĩ, việc không sử dụng chai nhựa đựng nước dùng một lần trong công sở là việc làm không quá khó bởi trên thực tế rất nhiều đơn vị, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thị và cả những vùng sâu, vùng xa đã thực hiện được. Vậy thì tại sao nhiều đơn vị, địa phương của thành phố lại chưa làm được; trong khi đó hằng ngày vẫn tuyên truyền, vận động người dân, cộng đồng thay đổi nhận thức, thói quen sống để bảo vệ môi trường?

Thực tế cho thấy, việc hạn chế thải chất thải nhựa sử dụng một lần, hướng tới công sở “xanh” đang là xu thế chung, từ đó hướng đến mục tiêu lan tỏa trong cộng đồng.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.