Multimedia Đọc Báo in

Thách thức trong công tác dân số ở Cư Suê

10:28, 20/08/2014
Tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3 trở lên là những thách thức nan giải trong công tác Dân số-KHHGĐ ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar.

Chị H’Tí Kha ở buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê (Cư M’gar) lấy chồng năm 2001, đến nay đã có 5 đứa con (đứa đầu năm nay 13 tuổi, còn đứa con thứ năm mới 7 tháng tuổi). Nhà có 7 nhân khẩu chỉ trông chờ vào nguồn thu từ 3 sào đất trồng hoa màu nên cuộc sống của gia đình chị H’Tí luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Gánh nặng cơm áo do một mình người chồng gánh vác, còn chị H’Tí phải dành phần lớn thời gian ở nhà chăm con vì sinh dày và đông con. Mặc dù cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số nhiều lần đến tư vấn, vận động song vợ chồng chị H’Tí vẫn chưa thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Nhà nghèo, bố mẹ chưa làm giấy khai sinh nên những đứa trẻ trong gia đình này chưa được đi học, chúng cứ lớn dần lên trong đói khổ và thiệt thòi.

Chị H’Tí Kha và  bầy con  lít nhít.
Chị H’Tí Kha và các con.

Tình trạng sinh đông con như vợ chồng chị H’Tí xảy ra khá phổ biến ở 11 thôn buôn ở xã Cư Suê, không ít cặp vợ chồng sinh đến 6-7 đứa con. Chị Triệu Thị Kim Liên, cán bộ chuyên trách dân số xã Cư Suê cho biết: Hiện tại, xã Cư Suê có 1.810 phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng, trong đó, vẫn còn 318 chị chưa sử dụng các biện pháp tránh thai; một số chị áp dụng các biện pháp tránh thai nhưng không đúng cách dẫn đến nhiều trường hợp vỡ kế hoạch. Ngoài ra, một số cặp vợ chồng sau khi có kinh tế ổn định lại sinh thêm con cho “vui cửa, vui nhà”. Những nguyên nhân đó đang khiến tình trạng sinh con thứ 3 ở xã Cư Suê trở nên phổ biến. Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Cư M’gar, Cư Suê hiện là một trong những xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao nhất huyện Cư M’gar. Từ năm 2011 đến nay, toàn xã có 118 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên; trong đó, năm 2011 có 31 trẻ (chiếm 19% tổng số trẻ được sinh ra), năm 2012 có 39 trẻ (chiếm 20%), năm 2013 có 34 trẻ (chiếm 18%, cao hơn mặt bằng chung của tỉnh 2,4%) và 6 tháng đầu năm 2014 đã có 14 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên.

Trong khi các giải pháp giảm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên chưa mang lại hiệu quả thì gần đây lại thêm một thách thức trong công tác Dân số-KHHGĐ ở xã Cư Suê, đó là tình trạng tảo hôn. Theo thống kê của Ban Dân số-KHHGĐ xã Cư Suê, năm 2011 trên địa bàn xã có 2 trường hợp tảo hôn, năm 2013 có 3 trường hợp và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014 đã xảy ra 10 trường hợp. Ông Mai Hiền, Trưởng Ban Dân số-KHHGĐ xã Cư Suê cho biết: Trong nhiều trường hợp, các gia đình “lách luật” bằng cách không tổ chức đám cưới mà cứ để cho con em về ở với nhau, sinh con rồi đến khi đủ tuổi mới lên xã đăng ký kết hôn.

Tình trạng tảo và sinh đông con đã tác động không nhỏ đến đời sống của nhiều gia đình. Hiện nay, xã Cư Suê vẫn còn 427 hộ nghèo và cận nghèo; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng chiếm 17,4%.

Thiết nghĩ, để tháo gỡ những khó khăn và thách thức trong công tác Dân số-KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở xã Cư Suê, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công các truyền thông-giáo dục, tập trung vào cặp vợ chồng đã sinh đủ 2 con, vị thành niên, thanh niên để tư vấn, vận động KHHGĐ và phòng chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình...

Võ Thảo

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.