Multimedia Đọc Báo in

Khốn khó vì chữa bệnh cho con

08:16, 19/01/2014
Căn bệnh phù lá lách và tim bẩm sinh khiến cô bé Trần Thị Hạnh, học sinh lớp 9A2 Trường THCS Bế Văn Đàn (huyện Ea Súp) trông nhỏ bé, còi cọc và yếu ớt dù đã bước sang tuổi 16.

Hạnh là con thứ hai của anh Trần Văn Định và chị Phương Thị Quán, người dân tộc Sán Chỉ ở Định Hóa (Thái Nguyên). Ngay từ khi sinh ra, Hạnh đã có thể trạng rất yếu, ban đầu gia đình chỉ nghĩ là do con mình chưa được ăn uống đủ dinh dưỡng nên mới còi cọc, ốm yếu như vậy. Đến năm 2004, sau trận ốm kéo dài cả tháng, điều trị bằng phương pháp dân gian không khỏi, Hạnh được gia đình đưa đi khám thì phát hiện bị bệnh tim bẩm sinh. Tuy nhiên, do hoàn cảnh quá khó khăn nên gia đình chỉ chạy chữa cho con bằng các phương pháp đông y. Năm 2007, bố mẹ Hạnh quyết định đưa cả gia đình từ Thái Nguyên vào lập nghiệp tại xã Cư Kbang (huyện Ea Súp). Cuộc sống nơi quê hương mới gặp rất nhiều khó khăn, chưa có nhà nên cả gia đình mượn nhà để ở. Thu nhập cả nhà chỉ phụ thuộc vào 2 sào ruộng. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng vợ chồng anh Định vẫn luôn cố gắng để con mình được đến trường giống như bạn bè cùng trang lứa.

Em Trần Thị Hạnh sau khi được phẫu thuật.
Em Trần Thị Hạnh sau khi được phẫu thuật.

Dù thể trạng yếu, thường xuyên đau ốm nhưng Hạnh luôn chăm chỉ học hành, không nghỉ buổi học nào. Tháng 11-2013, Hạnh phát bệnh nặng, được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Các bác sĩ chẩn đoán cô bé bị bệnh phù lá lách và tim bẩm sinh và được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) để phẫu thuật. Không có tiền, vợ chồng anh Định đành phải bán con bò duy nhất được 8 triệu đồng để đưa con đi chữa bệnh. Khi nghe bác sĩ đề nghị phẫu thuật ngay để giữ tính mạng do sức khỏe con gái quá yếu, lại có hiện tượng co giật, không còn cách nào khác, anh Định phải làm giấy cam kết để bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Cầm trong tay tấm hóa đơn dự kiến điều trị đến 100 triệu đồng, vợ chồng anh chạy vạy khắp nơi nhờ bà con, họ hàng đi vay mượn giúp để có tiền trả viện phí trước mắt.

Sau một tháng được phẫu thuật và điều trị, đến nay Hạnh đã được về nhà mặc dù sức khỏe còn yếu. Cô bé khuôn mặt hốc hác, xanh xao cứ nghẹn ngào:  “Em thương bố mẹ lắm, chỉ vì em mà bố mẹ phải vất vả làm việc, vay mượn khắp nơi, gia đình lúc nào cũng túng thiếu”. Quả thật, sau khi đưa con đi phẫu thuật, gia đình anh Định rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, túng quẫn, nợ nần chồng chất. Hy vọng những tấm lòng hảo tâm sẽ chia sẻ, hỗ trợ gia đình anh vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Quỹ “Tấm lòng vàng”, Báo Dak Lak, 23 Lê Duẩn, TP.Buôn Ma Thuột.

Trang Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.