Multimedia Đọc Báo in

Một cháu bé bị bệnh tim bẩm sinh cần được giúp đỡ

13:19, 06/01/2014
Cháu Trần Ngọc Tiến (SN năm 2011) là con thứ hai của anh Trần Văn Thương và chị Bùi Thị Xuân Hiền ở thôn 6, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn).

Từ khi sinh ra đến gần một tháng tuổi, Tiến thường xuyên đau yếu và có những biểu hiện khác thường. Vay mượn tiền đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng I TP.Hồ Chí Minh, vợ chồng anh Thương đau xót khi được bác sĩ cho biết con trai mình bị hẹp tim bẩm sinh, hai mắt bị đục thủy tinh thể. Hai tháng tuổi, Tiến nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng I chữa trị chứng đục thủy tinh thể. Sau khi xuất viện về nhà, cứ một tuần hoặc mười ngày, chị Hiền lại phải mang con đi tái khám. Nhà nghèo, việc chữa trị cho con khiến kinh tế gia đình anh Thương, chị Hiền kiệt quệ. Nhiều lần cho con đi khám, anh chị không có tiền phải nhờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ  của anh em trong gia đình, dòng họ để có tiền xe đi về. Trong khi đó, bệnh tật của cháu Tiến ngày càng nặng, một mắt của cháu bị hỏng, bệnh tim chưa được chữa trị, cháu không biết ngồi, không biết nói. Từ 20 tháng tuổi đến nay, Tiến tự di chuyển người trong tư thế nằm ngửa. Chị Hiền hằng ngày phải chăm sóc bế bồng đứa con kém may mắn, một mình anh Thương hằng ngày đi làm thuê nuôi cả nhà, công việc không ổn định nên bữa no bữa đói. Kinh tế gia đình ngày càng cạn kiệt, tài sản trong gia đình chỉ có một căn nhà gỗ nhỏ. Chị Hiền cho biết, từ khi cháu Tiến ra đời đến bây giờ được hai tuổi nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ của người tàn tật.

Vợ chồng chị Hiền chỉ mong mỏi có tiền đưa con đi chữa trị nhưng “lực bất tòng tâm”, đành buông xuôi. Cháu Tiến rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm  Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Quỹ Tấm lòng vàng Báo Dak Lak 23 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột hoặc địa chỉ gia đình cháu Trần Ngọc Tiến, thôn 6, xã Ea Bar, Buôn Đôn.  

 Minh Nhật


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.