Multimedia Đọc Báo in

Công tác Đoàn là phải gắn với phong trào cụ thể

14:43, 02/07/2010
Đó là suy nghĩ của Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar Nguyễn Công Văn. Chính vì thế mà anh luôn tạo ra các chương trình cụ thể, thiết thực ở địa phương để thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia.
Học hết lớp 12, lẽ ra Văn đã trở thành chàng sinh viên sư phạm chuyên ngành lịch sử nếu không xung phong vào quân ngũ để trở thành bộ đội biên phòng. Một năm sau, anh được đề bạt giữ chức Tiểu đội trưởng hỏa lực, Bí thư Chi đoàn Đồn Sêrêpôk. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, năm 1993, khi mới 22 tuổi, Văn đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Anh Nguyễn Công Văn
Anh Nguyễn Công Văn

Rời quân ngũ, về công tác tại Huyện Đoàn Cư M’gar, anh luôn trăn trở làm thế nào để vận động đoàn viên thanh niên tham gia vào các phong trào của Đoàn. Qua nhiều lần sinh hoạt, bám sát cơ sở, anh nhận thấy cần phải tham mưu, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích để thu hút đoàn viên thanh niên; nổi bật trong đó là vận động thanh niên tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông, làm đường giao thông, hiến máu nhân đạo, thực hiện lối sống đẹp… Thành công nhất phải kể đến là phong trào thanh niên đảm nhận chăm sóc, dọn vệ sinh các tuyến đường nội thị trấn Quảng Phú. Trên tinh thần xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, ngõ phố, đường phố văn minh - an toàn, anh đã tham mưu cho Huyện Đoàn lập kế hoạch, bàn giao về cho 9 cơ sở đoàn tự quản, đảm nhận chăm sóc, dọn vệ sinh 13 tuyến đường trung tâm thị trấn. Anh Văn cho biết, để hoàn thành tốt công việc đó, đoàn viên phải gương mẫu đi đầu; hằng tuần tổ chức kiểm tra, phát sạch cây cỏ dại hành lang tuyến, khơi thông cống rãnh khi trời mưa, quét dọn mặt đường và tuyên truyền mọi người giữ gìn vệ sinh chung, bỏ rác đúng nơi quy định... Từ phong trào này đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và hình thành nếp sống văn minh trong mỗi đoàn viên thanh niên và người dân địa phương.
Đặc biệt, để đoàn viên thanh niên dân tộc thiểu số biết trân trọng, giữ gìn và sử dụng các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, nhất là cồng chiêng, anh đã tổ chức và duy trì có hiệu quả đội cồng chiêng trẻ trong các buôn; mỗi đội có từ 7 đến 10 đoàn viên, thường xuyên luyện tập các bài chiêng truyền thống theo hình thức người biết nhiều hướng dẫn cho người biết ít, người đi trước chỉ cho người đi sau. Cứ chiều thứ 7 hằng tuần, tại các nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của buôn, thanh niên luyện tập, rộn rã tiếng cồng chiêng vang lên như buôn làng đang vào mùa lễ hội. Ngoài ra, anh còn mời những người lớn tuổi, am hiểu và có kinh nghiệm trong buôn truyền dạy thêm các bài chiêng cổ, lễ hội... cho thanh niên. Giữa lúc các thôn, buôn, vùng khó khăn của huyện còn nhiều hạn chế về các loại hình vui chơi, hoạt động này đã tạo ra một không gian sinh hoạt văn hóa, giải trí lành mạnh, giúp thanh niên thêm gắn bó với quê hương.
Đỗ Lan
 

Ý kiến bạn đọc