14:58, 30/07/2010
Hầu hết mọi người đều nhận định làm công tác Tuyên giáo vừa khó, khô, lại khổ nhưng khi tâm sự về nghề nghiệp mình đã gắn bó hơn 13 năm qua, anh Trần Xuân Linh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh vẫn mỉm cười tự tin: “Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn làm công tác Tuyên giáo”.
Tốt nghiệp Học viện Chính trị Quốc gia Hà Nội loại xuất sắc, đi dạy hơn 10 năm và đảm nhận nhiều vị trí công tác như Phó ban Tổ chức Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) 4 năm tưởng chừng như cuộc đời của Trần Xuân Linh đã gắn bó với quê hương Hà Tĩnh. Nhưng đến năm 1997, trong một chuyến vào thăm người quen ở Dak Lak, vùng đất và con người nơi đây đã khiến anh có một quyết định khá táo bạo: thay đổi công tác và chuyển cả gia đình vào đây sinh sống. Sở dĩ anh Linh có thể yêu quý và theo đuổi công việc của một báo cáo viên khối Doanh nghiệp tỉnh trong suốt thời gian qua vì theo anh làm công tác Tuyên giáo gắn liền với việc nghiên cứu, tiếp cận, mổ xẻ các vần đề của xã hội sẽ giúp mình trưởng thành hơn.
|
Anh Trần Xuân Linh |
Kỷ niệm của ngày đầu làm công tác Tuyên giáo vẫn luôn là bài học quý nhắc nhở anh không ngừng vươn lên, tự làm mới mình trong công việc. Đã từng đi dạy và công tác nhiều năm nên anh Linh nghĩ mình khá tự tin khi đi triển khai nghị quyết cho cán bộ chủ chốt các doanh nghiệp. Mặc dù bài nói khá lưu loát, trong lớp vẫn im phăng phắc nhưng khi nhìn xuống dưới, anh thấy có người đọc báo, ngủ gật hoặc nhìn lơ đãng, không ai tập trung cả. Tuy có hơi thất vọng nhưng anh nghĩ chắc tại mình chưa biết cách truyền đạt nên không thu hút được sự chú ý của người nghe. Suy nghĩ, trăn trở mãi, anh Linh quyết định làm một cuộc thăm dò lấy ý kiến đánh giá của mọi người về các vấn đề như tư thế đứng, cách diễn đạt, thời gian, lượng kiến thức… Chỉ sau vài lần như thế anh đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong việc chuẩn bị nội dung, hình thức của từng buổi nói chuyện cho các đối tượng khác nhau như người lao động, chủ doanh nghiệp, đoàn viên, thanh niên… Theo anh, khi truyền đạt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải vừa phản ánh được cái chung nhưng cũng cần tìm ra những điểm riêng, cụ thể, gắn với lợi ích của từng ngành nghề, từng doanh nghiệp. Khi nói chuyện với các đối tượng cần có “Trái tim nóng và cái đầu lạnh” để thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng cũng như những băn khoăn của mọi người để có thể tạo được niềm tin, sự đồng cảm, chia sẻ nhưng cũng cần tỉnh táo để định hướng, dẫn dắt họ đi đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng. Để mọi người say sưa lắng nghe, chủ động đặt câu hỏi và cùng tư duy giải quyết sự việc, trong từng buổi tuyên truyền, anh Linh đều cố gắng tạo ra các tình huống có vấn đề, lôi cuốn mọi người tham gia bàn bạc tạo sự giao cảm, gần gũi và chia sẻ lẫn nhau. Để sự chuyển tiếp trong mỗi buổi tuyên truyền không bị rời rạc, đứt quãng, anh luôn đặt ra những câu hỏi tình huống hoặc kể câu chuyện liên quan đến vấn đề đang truyền đạt. Theo anh Linh, làm công tác Tuyên giáo đồng nghĩa với công tác tuyên truyền miệng nên muốn thành công thì không thể làm qua loa, đại khái cho xong việc mà phải dồn công sức, trí tuệ nghiên cứu vấn đề kỹ lưỡng để chọn lọc, mang đến cho người nghe những điều họ chờ đợi. Và quan trọng hơn cả đó chính là lòng yêu nghề, gắn bó máu thịt với công việc làm mình đã lựa chọn.
13 năm gắn bó với công tác Tuyên giáo, làm tuyên truyền viên cơ sở, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen nhưng niềm vui lớn nhất đối với anh Linh là đã góp phần tạo một nhịp cầu nối “ý Đảng – lòng dân”.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc