“Thơ chắp cánh nâng đời tôi dậy”
Vào xã Buôn Triết (huyện Lak) hỏi Nguyễn Văn Hợp ở thôn Mê Linh 2 thì ai cũng biết. Anh dường như đã trở thành một người con đặc biệt của cái xã vùng sâu heo hút này. Ở Hợp, người ta không chỉ biết đến một chàng trai đang mang trong mình căn bệnh nan y mà trên hết là những việc làm mà những người bình thường khác chưa hẳn đã làm được.
Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo “loạn dưỡng cơ Duchenne” đang ngày ngày tàn phá cơ thể mình nhưng chàng trai tật nguyền này có một nghị lực thật đáng khâm phục. Từ bé, Hợp vẫn ngày ngày đến trường trên đôi chân khập khiễng của mình. Nhiều hôm thời tiết thay đổi, những cơn đau đột biến đã vật anh ngã lăn ra đất nhưng Hợp vẫn quyết tâm không bỏ học. Suốt 11 năm đến trường bằng đôi chân khập khiễng, đôi tay ngày càng co rút dần cũng là 11 năm Hợp đạt danh hiệu học sinh khá. Thế nhưng đến học kì 2 năm học lớp 11, Hợp đành phải nghỉ học, đôi chân đến lúc này đã không thể còn lê bước được nữa. Phải ngồi một chỗ, làm bạn với chiếc giường con nơi góc nhà quả là cực hình với chàng trai đang phơi phới tuổi thanh xuân. “Sau bao trăn trở làm sao để thời gian trôi qua một cách vô ích, “tàn nhưng không phế” tôi đã tìm đến thơ”, Hợp trải lòng mình. Di chuyển chuột máy tính một cách nhọc nhằn, Hợp khoe những bài thơ mình vừa sáng tác. Những vần thơ vừa mang nặng nỗi buồn số phận, chất chứa bao tình cảm nhưng cũng tràn đầy niềm tin yêu vào cuộc sống.
Mọi liên hệ với thế giới bên ngoài của Hợp đều thông qua chiếc máy tính do một nhà hảo tâm trao tặng. |
Đang say sưa nói về những bài thơ của mình, giọng của Hợp chợt chùng xuống. Hợp thổn thức, với căn bệnh quái ác đang tiến triển ngày một xấu đi, không biết em sẽ còn sống được bao lâu nữa. Nhưng như “Chiếc lá khô rụng xuống/ Vẫn có ích cho đời”, Hợp có ba ước nguyện muốn thực hiện trước khi rời xa cõi trần, đó là hiến giác mạc, hiến xác cho khoa học và in tập thơ để lại cho đời. Với ước nguyện thứ nhất, Hợp đã thực hiện được vào năm 2009 khi đăng ký thành công với Hội chữ thập đỏ Trung ương. Việc hiến xác cho khoa học, Hợp vẫn đang xúc tiến và chỉ còn chờ hoàn thành thủ tục. Còn việc in tập thơ thì cần phải có kinh phí, nghe đâu cũng đã có người đặt vấn đề tài trợ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Mong sao tất cả những ước nguyện của chàng thanh niên nhỏ bé, tật nguyền nhưng đầy nghị lực sẽ trở thành hiện thực.
Ý kiến bạn đọc