Multimedia Đọc Báo in

“Cây knia” của buôn Dur 1

08:37, 16/08/2010

Không chỉ ở xã Dur Kmăn (huyện Krông Ana) mà nhiều người ở các buôn trong tỉnh đều biết đến già làng Aê Nuh – người già làng mẫu mực, có uy tín và hết lòng vì sự bình yên của buôn làng…

Đã trải qua 74 mùa rẫy và tuy tuổi cao nhưng những bước chân đi về các nẻo đường buôn Dur của già Aê Nuh vẫn còn nhanh nhẹn. Đón chúng tôi trong căn nhà dài truyền thống nằm ở giữa buôn Dur, già làng Aê Nuh rất vui vẻ. Dư âm của Hội nghị biểu dương các già làng tiêu biểu Tây Nguyên tổ chức ở Gia Lai và chuyến đi Hà Nội thăm Lăng Bác cách đây chưa lâu như vẫn còn tươi nguyên trong cảm xúc của già: Trong hội nghị biểu dương lần ấy, già được gặp gỡ và làm quen với rất nhiều già làng ở khắp nơi. Qua câu chuyện của mọi người, cái bụng già rất vui khi biết được nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của bà con người Bana, Êđê, Giarai, Xơđăng… ở các buôn làng Tây Nguyên đang có nhiều đổi thay. Các già làng ai cũng cố gắng chăm lo cho buôn mình ổn định, thường xuyên khuyên bảo mọi người cố gắng giữ gìn phong tục, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chăm lo lao động sản xuất, xây dựng buôn làng thêm giàu đẹp.

Già làng Aê Nuh (giữa) đang cùng cán bộ của xã, của huyện bàn chuyện giữ gìn ANTT trong buôn.
Già làng Aê Nuh (giữa) đang cùng cán bộ của xã, của huyện bàn chuyện giữ gìn ANTT trong buôn.

Già làng Aê Nuh đã sống và gắn bó với buôn Dur 1 gần hết cuộc đời; ông cũng là một trong số ít những người còn lại đã từng tham gia cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tại xã căn cứ Dur Kmăn này. Già còn nhớ như in những ngày tháng ác liệt của năm 1962 khi cả buôn Dur Kmăn, buôn Krang, buôn Chuê và nhiều buôn khác đã kiên cường bám buôn, chiến đấu bảo vệ cách mạng, bảo vệ vùng căn cứ. Lúc này, lợi dụng núi rừng hiểm trở, già đã cùng thanh niên trong buôn tổ chức nhiều trận đánh chặn, phục kích ở các ngả đường vào buôn khiến cho kẻ địch khiếp sợ không dám tiến vào phá hoại vùng căn cứ cách mạng. Với tinh thần dũng cảm, gan dạ, đạt nhiều thành tích, già đã được bầu làm xã đội trưởng của xã Dur Kmăn. Như cây knia cổ thụ ở đầu buôn, chứng kiến bao đổi thay, già Aê Nuh hiểu được giá trị của cuộc sống yên bình, ấm no mà nhiều thế hệ người già, người trẻ trong buôn đã phải hy sinh xương máu mới giành được. Chính vì vậy mà già Aê Nuh rất buồn khi nghe chuyện về những thanh niên hư hỏng ở một số buôn vẫn còn nghe theo sự xúi giục của bọn phản động Fulrô và làm chuyện sai trái. Trong những ngày tháng ấy, cái bụng của già Aê Nuh không đêm nào hết lo, còn cái chân thì hầu như không ngày nào nghỉ, già đã cùng một số người có uy tín trong buôn đến từng nhà để nắm bắt tình hình, rồi khuyên bảo mọi người trong buôn đoàn kết, không nghe theo lời lừa mị của bọn xấu phá hoại buôn làng.

Giữ vững truyền thống là buôn căn cứ cách mạng, và cũng nhờ những nỗ lực không biết mệt của già Aê Nuh, từ năm 2001 đến nay, không một người nào trong buôn Dur có liên quan đến Fulrô hay nghe theo cái gọi là “Tin lành Đê ga”, và cũng không ai vượt biên trái phép hay làm những chuyện sai trái với pháp luật. Đó là những kết quả rất đáng mừng và cũng là niềm tự hào của già Aê Nuh khi báo cáo tại Hội nghị biểu dương các già làng Tây Nguyên tiêu biểu.

Trong căn nhà dài truyền thống của đại gia đình già làng Aê Nuh, bên cạnh chiếc ghế kpan dài tới 3 gian nhà, những chiếc chiêng đồng lớn nhỏ vẫn còn được già giữ gìn cẩn thận và luôn ngân vang trong những buổi lễ mừng mùa. Ở gian trang trọng nhất của căn nhà, phía trên cao, được treo rất ngăn nắp là những dãy bằng khen, giấy khen của các cấp tặng già Aê Nuh, trong đó có tấm bằng khen “Tuổi cao – gương sáng” của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao tặng vào năm 2009. Chỉ thêm một năm nữa là già làng Aê Nuh tròn 35 năm tuổi Đảng, đó là vinh dự và là niềm vui của một người con của Tây Nguyên hết lòng tận tụy với cách mạng, với buôn làng.

Viết Nghĩa

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.