Multimedia Đọc Báo in

Những bông hoa đẹp trong phong trào thi đua yêu nước

16:32, 12/08/2010

Trong phong trào thi đua yêu nước, đội ngũ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, tiêu biểu là phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

ªCông ty TNHH Đắc Hải: Những cải tiến sản phẩm cơ khí hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Phan, Giám đốc Công ty TNHH Đắc Hải giới thiệu những chi tiết máy do công ty cải tiến sản xuất. (Ảnh: L.H)
Ông Nguyễn Văn Phan, Giám đốc Công ty TNHH Đắc Hải giới thiệu những chi tiết máy do công ty cải tiến sản xuất. (Ảnh: L.H)

Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí khá lâu, đến nay, Công ty TNHH Đắc Hải đã sản xuất được trên 100 chủng loại sản phẩm cơ khí, thiết bị cho máy bơm nước, máy đánh bóng cà phê, những chi tiết máy đúc bằng gang… Đây là những mặt hàng luôn có sự cạnh tranh rất gay gắt trên thị trường. Để sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đòi hỏi doanh nghiệp luôn không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã; phân khúc thị trường đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Sau nhiều năm tự nghiên cứu, cải tiến, Công ty đã sản xuất nhiều chi tiết, thiết bị cơ khí phục vụ cho sản xuất máy bơm nước, trong đó có thương hiệu Đăng Phong. Với những tính năng ưu việt vượt trội so với các sản phẩm khác ở trong nước: nước xả xa, cột áp lên cao, đặc biệt là tiết kiệm nhiên liệu, bơm nước Đăng Phong đã được người tiêu dùng ưa chuộng, và trở thành sản phẩm cạnh tranh nhất khu vực Tây Nguyên. Ông Nguyễn Văn Phan, Giám đốc doanh nghiệp này cho biết: 10 năm đối với việc nghiên cứu để có một sản phẩm hoàn thiện, được định vị trên thị trường là vô cùng khó khăn, nhất là đối với một doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài thành công trong sản xuất chi tiết máy bơm nước, hiện Công ty đang phối hợp với Công ty Viết Hiền nghiên cứu thêm dây chuyền chế biến cà phê ướt quy mô cụm hộ. Đây được xác định là sản phẩm góp phần tạo bước đột phá cho nâng cao chất lượng chế biến cà phê. Từ dây chuyền với quy mô sản xuất chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cải tiến nhỏ gọn, giá thành rẻ hơn chỉ khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, hiện đơn vị này vẫn tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để  phù hợp hơn với quy mô hộ gia đình nhưng vẫn bảo đảm chất lượng và giá thành khoảng 10 triệu đồng/máy.
Với sáng kiến cải tiến, tạo nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn, năm 2009, Công ty TNHH Đắc Hải là đơn vị duy nhất của tỉnh cùng với 96 doanh nghiệp trong cả nước được nhận Cúp vàng Doanh nghiệp Việt Nam vàng do Bộ Công thương và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa bình chọn.

ªAnh Hoàng Ngọc Đỉnh: Nỗ lực học tập  nâng cao năng lực chuyên môn

Anh Hoàng Ngọc Đỉnh, một gương điển hình lao động, sáng tạo trong ngành Ngân hàng. (Ảnh: Đ.L)
Anh Hoàng Ngọc Đỉnh, một gương điển hình lao động, sáng tạo trong ngành Ngân hàng. (Ảnh: Đ.L)
Một trong những điển hình tiên tiến về lao động, sáng tạo của ngành Ngân hàng, không thể không nhắc đến anh Hoàng Ngọc Đỉnh, Trưởng phòng Kiểm tra kiểm soát nội bộ, Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Dak Lak. Nói đến anh, là nói đến sự say mê tìm tòi và không ngừng sáng tạo trong công tác chuyên môn, suốt 10 năm làm việc tại đơn vị, anh đã có nhiều sáng kiến ứng dụng tin học phục vụ cho công tác quản lý hồ sơ khách hàng và nội bộ. Trước thực tế, việc theo dõi, quản lý tài sản cầm cố, thế chấp của khách hàng bằng sổ sách, khi cần đến số liệu gì liên quan phải lục tìm rất khó khăn, mất thời gian lại dễ sai sót… Để khắc phục, anh đã viết ra một số chương trình như: quản lý tài sản thế chấp, quản lý nội bộ (Back End- Soft), quản lý hợp đồng bảo lãnh..., sau 2 năm đưa vào ứng dụng quản lý nghiệp vụ tại phòng kế toán và các chi nhánh đã hỗ trợ truy vấn thông tin khá nhanh chóng, chính xác, giúp công tác theo dõi tài sản cầm cố, thế chấp của khách hàng trở nên tiện ích, giảm nhiều thời gian hơn trước. Cụ thể, trước đây, nhân viên theo dõi về xuất – nhập tài sản thế chấp, truy vấn thông tin khách hàng khi cần số liệu làm báo cáo hàng tháng, quý, năm hoặc quyết toán thì phải ngồi cặm cụi lật giở, tìm kiếm từng trang ghi trong nhật ký để thống kê, đòi hỏi phải có quỹ thời gian và tuyệt đối không được sai sót, nhất là khi số hợp đồng thế chấp lên đến hơn 1200 hồ sơ. Từ khi chương trình ra đời đã quản lý chặt chẽ giá trị thế chấp tương ứng với số tiền vay của từng hợp đồng theo số Cif, số tài khoản, tên đơn vị, cá nhân vay… mang lại tính chính xác cao, lại dễ dàng và nhanh chóng, rút ngắn thời gian xuống còn 1/3 – 1/4 lần so với trước mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng trong công tác quản lý hồ sơ.  Với những nỗ lực đó, anh được coi là tấm gương điển hình về sự phấn đấu học tập, vươn lên trong lao động, sáng tạo; 5 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không dừng lại ở đó, anh luôn cố gắng học tập rèn luyện để nắm vững kiến thức chuyên môn, tiếp tục hoàn thiện thêm nhiều sáng kiến có giá trị khác.

ªAnh Phan Tấn Đức: Khó khăn trong thi công lưới điện là động lực để tôi tìm tòi, sáng tạo

Ảnh: T.H
Ảnh: T.H

Anh Phan Tấn Đức (tổ trưởng tổ quản lý điện 1 - Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột) là công nhân kỹ thuật điện có thâm niên trên 35 năm trong nghề và hiện đang quản lý 300 km đường dây trung hạ áp nên hằng ngày anh cùng các đồng nghiệp phải xử lý hàng trăm sự cố trên đường dây. Nhận thấy mỗi khi thi công, các kỹ thuật viên muốn cô lập một đoạn đường dây hoặc cả đường dây thường phải dùng cách cắt các máy cắt, dao cách ly trên đường dây vừa mất thời gian và phải mang vác nhiều bộ tiếp địa và trang thiết bị an toàn. Vì vậy, sau nhiều lần tìm tòi, nghiên cứu anh đã đem sáng kiến “Dao nối đất (DND) cố định kiểu treo” trình lên Ban Giám đốc và Sở Khoa học - Công nghệ để xin được đưa các phát minh của mình áp dụng vào thực tiễn. Không ngờ, sáng kiến không những giúp cho công nhân bớt đi gánh nặng trong quá trình treo và tháo tiếp địa lưu động mà còn giảm thời gian thao tác, bảo đảm bàn giao cho đơn vị đúng thời gian, đồng thời giảm bớt số lượng các bộ thiết bị tiếp đất lưu động phải mang đi và về. Từ đó, mỗi lần thi công anh em thường tiết kiệm được một khoảng thời gian, giảm sức lao động do khối lượng nhỏ, dễ vận chuyển, lắp đặt và thao tác đơn giản không cần các cơ cấu trợ lực. Chi phí đầu tư cho việc trang bị các bộ tiếp địa bởi một bộ DND treo nếu tự gia công chi phí khoảng 700.000 đồng trong khi đó theo đơn giá bên ngoài một bộ DND có giá 2.000.000 đồng. Hơn 3 năm nay, sáng kiến “Dao nối đất cố định kiểu treo” của anh đã tiết kiệm cho Công ty Điện lực Dak Lak hàng chục triệu đồng và đang được triển khai rộng rãi tại các Chi nhánh điện trong toàn tỉnh.

ªCô giáo Hoàng Thị Xuân: Người khơi dậy sự hứng thú học ngoại ngữ cho sinh viên

Cô Hoàng Thị Xuân luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ cho sinh viên. (Ảnh: N.H)
Cô Hoàng Thị Xuân luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ cho sinh viên. (Ảnh: N.H)
Sinh viên (SV) học ngoại ngữ ở tỉnh ta ít có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài, cộng với phương pháp giảng dạy thụ động trong suốt một thời gian dài ở các trường cao đẳng, đại học đã tạo lỗ hổng trong giao tiếp. Điều lý giải vì sao nhiều SV chuyên ngữ sau khi tốt nghiệp vẫn không thể giao tiếp ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ. Vấn đề này luôn trăn trở cô Hoàng Thị Xuân, khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Tây Nguyên.
Là người gắn bó với khoa Ngoại ngữ từ những ngày đầu thành lập, cô Xuân và các đồng nghiệp đã mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy, cụ thể là thay đổi cách thức truyền thụ bài giảng gây hứng thú và phát huy tính năng động, sáng tạo của người học. Để đạt được mục tiêu trên, những tiết học ngoại ngữ đơn điệu đã được thay thế bằng những giờ học sinh động, trong đó, giáo viên chỉ là người tổ chức các hoạt động dạy học, còn SV phải là người thực hiện các hoạt động do giáo viên đưa ra. Khi phân nhóm rèn luyện các kỹ năng, cô Xuân không giao những công việc quá  khó, tránh  tình trạng SV nghĩ mình không thực hiện được, mất đi sự tự tin đối với bản thân, đồng thời cũng không giao việc quá dễ, có thể khiến SV tự mãn và kiêu ngạo. Đặc biệt, không giao nhiệm vụ cho một nhóm SV khá, giỏi sẽ khiến cho SV học yếu tự ti, dần dần tách ra khỏi tập thể. Việc kiểm tra sự tự học, nghiên cứu đối với những kiến thức đã học và chuẩn bị bài mới của SV bằng cách giao nhiệm vụ cụ thể cho từng SV và  nhóm SV đã phát huy tính tự chủ, năng động, tích cực, giúp SV hiểu sâu, nhớ lâu các kiến thức đã được học. Bên cạnh đó, cô Xuân còn chủ động sử dụng hợp lý các thiết bị hỗ trợ giảng dạy như: Power point, Overhed, bảng, thiết bị thu âm thanh thu hút sự tập trung chú ý của SV, đồng thời giúp SV có thể nghe và thấy người bản ngữ nói tiếng Anh như thế nào một một cách thuận tiện. Thông qua đó giúp SV cải thiện được cách phát âm và kỹ năng nghe nói, tự tin hơn khi có cơ hội tiếp xúc với người bản xứ.
 Với phương pháp giảng dạy ngoại ngữ theo hướng giao tiếp, cô Xuân đã giúp SV sử dụng ngôn ngữ ở phạm vi trên câu, cả 4 kỹ năng: nghe, nói đọc viết được chú trọng đều và hoàn thiện ngay từ đầu. Không chỉ chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng bài giảng, cô Xuân thường xuyên trau dồi kiến thức mới, giúp SV học ngoại ngữ của Trường Đại học Tây Nguyên tự tin, đáp ứng các yêu cầu của giáo viên THPT khi đi kiến tập, thực tập thể hiện sự vững vàng trong chuyên môn và ứng xử tốt trong giao tiếp, đặc biệt mỗi SV hình thành cách làm việc trong tập thể, một hoạt động thường xuyên và hiệu quả trong xu hướng hiện nay.

 

Nhóm PV (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc