Multimedia Đọc Báo in

Những tấm gương “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”

10:41, 18/08/2010

Trong thời kỳ hội nhập, đất nước ta đã và đang tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè thế giới về một đất nước bình yên và an toàn. Thành quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng công an trong việc giữ gìn an ninh - trật tự. Rất nhiều chiến sĩ công an đã không quản ngại hiểm nguy, gian khổ, cống hiến hết mình để góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân..

ªĐại úy Trần Bình Hưng: “Khắc tinh” của tội phạm
Đầu năm 2001, tốt nghiệp Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân, Đại úy Trần Bình Hưng được điều về công tác tại Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP. Buôn Ma Thuột. Sau một thời gian nỗ lực công tác cùng với những chiến công trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, anh đã tạo được sự tín nhiệm của đồng chí, đồng đội và được Ban Giám đốc Công an TP. Buôn Ma Thuột đề bạt giữ chức Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội. Gần 10 năm gắn bó với công việc điều tra tội phạm, anh đã đúc kết được cho mình nhiều kinh nghiệm trong hoạt động nghiệp vụ.

 


Được hỏi về những khó khăn, vất vả trong công việc, anh chỉ mỉm cười chia sẻ: “Với những người làm công tác trinh sát trên mặt trận phòng chống tội phạm như chúng tôi thì việc phải đối mặt với khó khăn, nguy hiểm là không thể tránh khỏi. Song, dù khó khăn, vất vả đến đâu nhưng khi phá được án, bắt giữ được đối tượng, tất cả mệt mỏi đều tan biến hết…”. Như để minh chứng cho câu nói ấy, anh kể về những trận chiến nguy hiểm mà anh cùng đồng đội đã từng trải qua. Đó là những ngày đêm quên ăn, quên ngủ, mai phục bám địa bàn, tính toán chi tiết từng kế hoạch để đối phó với bọn tội phạm xảo quyệt. Ở cương vị của mình, anh đã trực tiếp xác lập và tham gia nhiều vụ án, chuyên án lớn, phức tạp như: giết người, trộm cắp, cướp tài sản, cướp giật, hiếp dâm, tổ chức đánh bạc với quy mô lớn…, bắt giữ hàng trăm đối tượng phạm tội và đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm, truy thu nhiều tài sản trả lại cho người bị hại. Điển hình như: vụ bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Bích (trú tại 134 Trần Bình Trọng, TP. Buôn Ma Thuột) có hành vi dùng dao đâm chết người và chuyển giao cho PC14 Công an tỉnh thụ lý; thực hiện chuyên án 907CG bắt giữ một nhóm gồm 9 đối tượng đã thực hiện 22 vụ cướp giật tài sản và trộm cắp tài sản trên địa bàn thành phố; xác lập chuyên án 009HD làm rõ 2 đối tượng mua trinh và hiếp dâm trẻ em; chuyên án trinh sát 007/TC về chống tội phạm trộm cắp đồng hồ nước trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột… Ở mỗi chuyên án, trong quá trình thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, anh đã sử dụng biện pháp trinh sát đặc tình, tập trung xác minh, thu thập tài liệu để khống chế, đồng thời tiến hành nghiên cứu xây dựng đặc tình tại các địa bàn trọng điểm… qua đó, đã phát huy cao hiệu quả, cung cấp thông tin thường xuyên, có độ chính xác cao, làm cơ sở cho việc phá án thành công. Với cách làm ấy, nhiều hoạt động tinh vi, xảo quyệt của bọn tội phạm đều bị anh và đồng đội phát hiện.
 Dù rất bận rộn với công việc chuyên môn, song, Đại úy Trần Bình Hưng còn là một cán bộ Đoàn năng nổ. Giữ vai trò Bí thư Đoàn cơ sở Công an TP. Buôn Ma Thuột, anh đã xây dựng và triển khai các phong trào thi đua tình nguyện Trung ương Đoàn phát động như: thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước; thi đua học tập và thi đua sáng tạo; tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; thi đua thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân… Mỗi phong trào đều được triển khai rất thiết thực và sát với hoạt động chuyên môn tại cơ sở nên đã thu hút được đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia, tạo được hiệu quả cao. Dưới sự lãnh đạo của người cán bộ Đoàn đầy nhiệt huyết, nhiều năm qua Đoàn cơ sở Công  an TP. Buôn Ma Thuột luôn là đơn vị xuất sắc và được Trung ương Đoàn tặng cờ thi đua, được Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân tặng Bằng khen. Không những thế, để làm gương cho đoàn viên thanh niên học tập, anh Hưng còn trực tiếp tham gia nhiều hoạt động, phong trào Đoàn.
Những cố gắng, nỗ lực của Đại úy Trần Bình Hưng đã được đồng đội và cấp trên ghi nhận. Nhiều năm liên tục là Chiến sĩ thi đua cơ sở, 5 năm liền là đảng viên tiêu biểu của Thành ủy TP. Buôn Ma Thuột, được UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh và UBND TP. Buôn Ma Thuột tặng nhiểu Bằng khen, Giấy khen cho thành tích xuất sắc trong công tác điều tra, phá  án. Anh xứng đáng là tấm gương tiêu biểu “Công an Nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

ªTrung tá Nguyễn Công Vũ: Người chiến sĩ công an hết lòng phục vụ nhân dân
Bằng tinh thần kiên quyết tấn công, trấn áp tội phạm, trong những năm qua, Trung tá Nguyễn Công Vũ, Đội trưởng đội 2, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tệ nạn xã hội (Phòng PC 45, Công an tỉnh) đã cùng đồng đội điều tra làm rõ hàng trăm vụ án, bắt giữ nhiều đối tượng nguy hiểm, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Trưởng thành từ lính trinh sát và đã trải qua 22 năm gắn bó với nghề là quãng thời gian giúp anh Vũ học tập được rất nhiều kinh nghiệm, nghiệp vụ từ đồng đội, thực tế để áp dụng vào công tác đấu tranh trấn áp tội phạm. Nói về công việc của mình, Trung tá Vũ bộc bạch: “Đã là lính hình sự, ngoài bản lĩnh nghiệp vụ, chính trị vững vàng thì phải thực sự yêu nghề vì công việc có những đặc thù riêng, luôn phải đối mặt với mặt trái của xã hội. Có “nghiện nghề” thì mới có “trái tim nóng và cái đầu lạnh” để đủ tỉnh táo, nhiệt huyết và sự kiên trì theo đuổi từng vụ án đến cùng”. Không chỉ bám địa bàn, quản lý, theo dõi các đối tượng, anh Vũ còn chủ động làm tốt công tác xây dựng phong trào quần chúng tham gia tố giác tội phạm. Nhờ vậy, đã giúp anh và đồng đội nắm vững các phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm.

Đồng chí Nguyễn Công Vũ (thứ hai từ trái sang) cùng lãnh đạo Phòng PC 45 trao trả cháu bé bị bắt cóc cho một gia đình nạn nhân ở huyện Ea Kar.
Đồng chí Nguyễn Công Vũ (thứ hai từ trái sang) cùng lãnh đạo Phòng PC 45 trao trả cháu bé bị bắt cóc cho một gia đình nạn nhân ở huyện Ea Kar.

Trong mỗi vụ án được giao, với cương vị Đội trưởng trực tiếp thụ lý vụ án, Trung tá Vũ luôn chủ động cùng anh em bàn bạc, xây dựng kế hoạch, phương án điều tra, báo cáo, đề xuất với lãnh đạo cấp trên, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả. Không chỉ dành thời gian nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu từ nhân thân, lai lịch của đối tượng đến những văn bản pháp luật có liên quan, anh Vũ còn vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp nghiệp vụ điều tra trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ để theo dõi, khám xét và bắt giữ đối tượng. Chẳng hạn như năm 2008, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có một băng nhóm chuyên lợi dụng đêm vắng đến các đại lý thu mua cà phê, dùng kìm cộng lực cắt khóa, ăn trộm cà phê và chở đi nơi khác tiêu thụ, gây lo lắng trong quần chúng nhân dân. Trước tình hình đó, Trung tá Vũ đã tham mưu với lãnh đạo Công an tỉnh thành lập Chuyên án T608 và tiến hành điều tra, bắt giữ 8 đối tượng phạm tội do tên Lê Văn Thế cầm đầu, góp phần triệt phá băng nhóm tội phạm trên. Hay vụ 2 lần bắt giữ tên Phạm Văn Thuê (sinh năm 1960, ở tổ 1, khối 1, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) - một đối tượng nguy hiểm chuyên cướp tài sản có vũ khí. Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, Trung tá Vũ đã cùng đồng đội điều tra làm rõ 133 vụ trộm cắp, cướp tài sản; 17 vụ giết người; 3 vụ bắt cóc trẻ em; đấu tranh triệt phá 30 tụ điểm tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh… bắt giữ hàng trăm đối tượng phạm tội.
Bên cạnh đó, anh còn tham mưu và trực tiếp tham gia thực hiện nhiều chuyên án giết người, cướp giật, trộm cắp tài sản như: chuyên án G705, GC09, T206, T1009, CG 309… Ngoài ra, anh còn tham gia bắt giữ 10 đối tượng có lệnh truy nã của Công an các tỉnh Hà Tây (cũ), Hòa Bình, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Lâm Đồng…
Với ý chí không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu, tinh thần tiến công, không khoan nhượng với bọn tội phạm, Trung tá Nguyễn Công Vũ đã được Bộ Công an, UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen, nhưng niềm vui, hạnh phúc lớn nhất đối với anh là đã góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Kim Oanh - Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.