Thoát nghèo nhờ dám nghĩ, dám làm
Năm 2000, anh Phạm Xuân Bình, ở thôn 4, xã Ea Tar (Cư M’gar) lập gia đình. Do hoàn cảnh gia đình đều khó khăn nên khi ra ở riêng, tài sản của đôi vợ chồng trẻ chỉ có hơn 1 sào đất cằn cỗi. Vợ chồng anh Bình phải đi làm thuê làm muớn khắp nơi nhưng vẫn không đủ ăn. Cuộc sống lại càng khó khăn, thiếu thốn hơn khi hai đứa con lần lượt ra đời.
Năm 2003, trong một lần đi làm thuê tại xã Hòa Thắng (TP.Buôn Ma Thuột), nhận thấy nhu cầu sử dụng cây giống trên thị trường khá lớn, anh Bình chợt nảy ra ý nghĩ “tại sao mình không thử làm giàu từ nghề ươm cây giống?”. Nghĩ là làm, anh về bàn bạc với vợ, gom góp tiền bạc trong nhà và vay mượn thêm của bà con bạn bè được hơn 10 triệu đồng để đầu tư làm giàn, xây dựng hệ thống tưới tiêu và mua giống về ươm. Lúc đầu, anh Bình chỉ ươm 7 vạn cây cà phê. Do chưa có kinh nghiệm nên anh phải mày mò tìm đọc thêm tài liệu và tham quan học hỏi kinh nghiệm của những vườn ươm ở trong và ngoài huyện. Đất không phụ công người, ngay trong năm đầu tiên bắt tay vào nghề ươm cây giống, anh đã có lãi gần 40 triệu đồng. Sau khi trả nợ, anh tiếp tục mở rộng diện tích vườn ươm của gia đình ra quy mô lớn hơn. Anh Bình đã đưa thêm nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào ươm như: tiêu, mít, cao su, sầu riêng, bơ và một số cây rừng… Đến nay, vườn ươm của gia đình anh Bình đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều hộ dân và các tư thương trong và ngoài huyện, sản phẩm làm ra không chỉ tiêu thụ trong huyện mà còn xuất sang các tỉnh khác như: Dak Nông, Gia Lai, Bình Phước… Hiện nay, trung bình một năm anh xuất bán ra thị trường 16 - 17 vạn cây giống các loại, trừ chi phí đầu tư mua giống, làm giàn, công chăm sóc, anh Bình thu lãi trên 150 triệu đồng; Ngoài ra, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động trên địa bàn.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Phạm Xuân Bình còn nhiệt tình giúp đỡ bà con trong thôn bằng cách hỗ trợ giống, sau đó tiêu thụ giúp đầu ra, cho một số hộ gặp khó khăn vay vốn không tính lãi...
Ý kiến bạn đọc