Multimedia Đọc Báo in

Tạo hướng đi mới từ mô hình nuôi thỏ

10:26, 06/12/2010

Trước đây, cũng như bao hộ dân khác ở xã, gia đình anh Nguyễn Duy Khôi (thôn 5A, xã Ea Kly, huyện Krông Pak) quanh năm vật lộn với mấy sào rẫy vất vả lắm mà không đủ ăn. Không cam chịu cảnh nghèo, anh Khôi đã loay hoay mãi với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác nhau như heo, gà và trồng sắn, đậu… song vẫn không có hiệu quả. Là Phó Bí thư Đoàn xã, anh luôn nghĩ đến cách thức làm kinh tế mang lại hiệu quả cao để cùng bà con và thanh niên địa phương vận dụng. Năm 2009, anh Khôi được tham gia chuyến tham quan các mô hình nuôi thỏ hiệu quả ở một số nơi trong tỉnh, do Huyện Đoàn Krông Pak tổ chức. Ý tưởng nuôi thỏ bắt đầu nhen nhóm từ đó, bởi trên địa bàn vật nuôi này còn mới lạ, song, nguồn thức ăn cho thỏ lại rất sẵn. Với khoảng 8 triệu đồng vốn vay bà con lối xóm, anh mạnh dạn đầu tư chuồng trại và đi Đà Lạt để mua giống thỏ Hunggary về nuôi. Nhờ ý chí quyết tâm, ham học hỏi, anh đã không ngừng mày mò tìm hiểu kỹ thuật nuôi thỏ trên sách, báo và đúc kết kinh nghiệm từ bản thân, đến nay chuồng trại của gia đình anh luôn có 40 con thỏ bố mẹ.

Mô hình nuôi thỏ của vợ chồng anh Nguyễn Duy Khôi.
Mô hình nuôi thỏ của vợ chồng anh Nguyễn Duy Khôi.

Để đáp ứng lượng thức ăn ổn định, đủ dinh dưỡng cho đàn thỏ, anh Khôi đã tận dụng đất trống ven rẫy cà phê, vườn nhà trồng cỏ voi, rau củ, bắp, chủ động được thức ăn. Khác với chăn nuôi lợn, gà, vịt... trước đây, thỏ là loài vật nuôi dễ tính và có khả năng sử dụng nhiều loại thức ăn thô xanh trong khẩu phần, chủ yếu là các loại rau, củ và cỏ. Chăn nuôi thỏ không cần diện tích chăn thả và đồng cỏ, chuồng trại có thể tận dụng các loại vật liệu như tre, nứa, gỗ... sẵn có. Thỏ lại sinh sản khỏe nên phát triển gây đàn rất nhanh, ít bị dịch bệnh. Theo kinh nghiệm của anh Khôi cho biết, thỏ mẹ có thể đẻ được 8 đến 9 lứa/năm, mỗi lứa trung bình có từ 8-10 con, từ đó, bình quân mỗi tháng gia đình anh xuất chuồng khoảng 100 con thỏ giống (thu lãi trên 2 triệu đồng/tháng), khách hàng chủ yếu là bà con trong huyện, đặc biệt là nhiều thanh niên có nhu cầu nuôi.

Tiếng lành đồn xa, sự thành công của anh Nguyễn Duy Khôi đã, đang được nhiều người khắp nơi tìm đến học hỏi kinh nghiệm và mua giống. Anh không hề giấu bí quyết nuôi thỏ của mình, ngoài việc hướng dẫn những kiến thức về cách chăm sóc thỏ qua điện thoại cho bà con ở xã xa không đến được tận nơi, những hộ ở gần, anh còn hỗ trợ giống và kỹ thuật chăn nuôi. Hiện, anh Khôi đang cung cấp giống nuôi (không lấy tiền trước) cho nhiều bà con trong xã có nhu cầu và họ đã vươn lên thoát nghèo, như gia đình chị Lê Thị Huệ, anh Phạm Đăng Công (thôn 3A), Nguyễn Đức Cảnh thôn 14A… Anh tâm sự: “Tôi mong muốn nhiều hộ trong và ngoài xã vận dụng mô hình này tại nhà mình. Nếu sau này thị trường thỏ giống bão hòa có thể bán thỏ thịt và chúng tôi sẽ cùng tìm đầu ra cho sản phẩm thỏ thịt sau này.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc