Multimedia Đọc Báo in

Chuyện kể về những người hùng trên đất Krông Ana

10:49, 01/09/2011

Họ là những con người vô cùng bình dị từ công việc đến cuộc sống đời thường. Nhưng bằng lòng dũng cảm, họ làm được những điều vô cùng lớn lao, ý nghĩa mà không phải ai cũng dám làm.

Khôn khéo bắt kẻ giết người cướp của
Nguyễn Văn Hùng sinh năm 1990, trú tại thôn Quỳnh Tân 1, thị trấn Buôn Trấp (Krông Ana) lười học, lười lao động, ham chơi, thích đua đòi nên đến lớp 10, Hùng bỏ học. Hùng thường xuyên bỏ nhà đi bụi và trộm cắp tài sản để lấy tiền tiêu xài. Khoảng 11 giờ trưa ngày 2-12-2010, Hùng đột nhập vào nhà ông Nguyễn Văn Hanh 77 tuổi, là thương bệnh binh, ở cùng thị trấn – nơi gia đình Hùng sinh sống để ăn trộm. Khi bị ông Hanh phát hiện, Hùng sợ lộ nên đã dùng dao đâm liên tiếp hai nhát trúng vào bụng và tay trái ông Hanh khiến ông tử vong rồi lấy 4,9 triệu đồng. Sau khi gây án, Hùng còn ung dung dùng tiền vừa cướp được mua rượu, thịt ăn nhậu cùng bạn rồi lên TP. Buôn Ma Thuột đón xe đi Dak Nông, Bình Phước và TP. Hồ Chí Minh ăn chơi. Việc truy bắt Nguyễn Văn Hùng là cả một quá trình đầy gian truân của lực lượng Công an Dak Lak để đưa tên tội phạm ra xét xử trước Tòa án với mức án cao nhất: tử hình. Trong vụ án này, để bắt được tên Hùng có sự trợ lực quan trọng của quần chúng, mà đầu tiên phải kể đến công trạng của cha con già Ama An ở buôn Sah.

Già Ama An
Già Ama An
Già Ama An kể lại: Do có quen biết từ trước, sau một thời gian lẩn trốn, đến ngày 11-12-2010 Hùng quay về buôn Sah để gặp con trai của Ama An là Y M’Hôn Knul. Thấy Hùng lởn vởn tại khu vực trường học gần nhà, Ama An liền tức tốc đến báo cho công an viên trong buôn là Y Joel Niê Siêng. Hôm ấy Y Joel không có nhà nên Ama An phải nhờ con gái nhỏ của Y Joel bấm hộ số để già gọi điện cho Y Joel. Tuy nhiên đây là tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm nên việc bắt giữ y cần hết sức cẩn trọng, không để “bứt dây động rừng” có thể khiến đối tượng tiếp tục bỏ trốn hoặc manh động chống trả. Ama An đã khéo léo cùng Y M’Hôn Knul dụ đối tượng về nhà mình khi mà lực lượng công an đã mật phục tại đây. Nhờ sự phối hợp ăn ý, cha con Ama An cùng các chiến sĩ công an đã khiến Nguyễn Văn Hùng phải nhanh chóng tra tay vào còng dù đã có thủ sẵn dao bấm trong người. Khi được hỏi về động lực vượt qua nỗi sợ hãi khi đối mặt với tên tội phạm nguy hiểm, Ama An chân thành chia sẻ: “Dù đó có là người thân, họ tộc, dù đối tượng có nguy hiểm đến mức nào thì lương tâm cũng không cho phép già này bỏ qua kẻ xấu. Mình đã tự hào là con cháu Bác Hồ thì phải sống theo hiến pháp và pháp luật chứ”.
Chị Nguyễn Thị Đượm.
Chị Nguyễn Thị Đượm.
Trong vụ án Nguyễn Văn Hùng có một nhân vật không thể không nhắc đến đó là một người phụ nữ nhỏ nhắn, chất phác. Chị là Nguyễn Thị Đượm ở thôn Quỳnh Tân 1, thị trấn Buôn Trấp. Chồng đột ngột qua đời vì bệnh ung thư gan, 4 năm nay chị mưu sinh bằng nghề bán vé số. Chị kể: “Biết được tin ông Hanh bị sát hại, chưa bắt được hung thủ, chẳng ai nhờ, chẳng ai khiến nhưng trong khi đi bán vé số tôi thường nói với khách hàng của mình là phát hiện có ai khả nghi thì báo tin cho chị biết. Hôm đó tình cờ có anh Phương xe thồ kể chuyện vừa chở một đối tượng đi vào buôn Sah, linh cảm thấy có điều không bình thường, gác lại công việc bán vé số, tôi tức tốc lên báo cho Công an thị trấn Buôn Trấp. Cùng với sự hỗ trợ của cha con già Ama An, tên Nguyễn Văn Hùng đã bị bắt. Đóng góp chẳng được nhiều nhưng tôi thấy lương tâm thanh thản vì đã không làm ngơ, bỏ qua trước cái ác, cái xấu, cái sai trái”.

Một mình cứu hai người giữa dòng nước xiết
Tiếp xúc với chị Lê Thị Thủy ở thôn 1, xã Bình Hòa (Krông Na), không ai nghĩ rằng người phụ nữ nhỏ nhắn này lại dám lao mình xuống dòng nước chảy xiết để cứu một lúc hai sinh mạng.

Hôm đó, khoảng 10 giờ ngày 15-6-2011, hai vợ chồng Thủy sang khu vực thôn 6 để gặt lúa (muốn sang thôn 6 phải đi qua cầu phà), do quên đồ đạc nên Thủy quay lại lấy. Cách đó ít phút, khi đi ngang qua cầu phà, Thủy gặp hai mẹ con chị Nguyễn Thị Chín ở thôn 2 cùng xã nhưng khi quay lại Thủy chỉ thấy chiếc xe gắn máy nằm chỏng chơ trên cầu. Linh cảm có chuyện chẳng lành, Thủy vội chạy tới chỗ chiếc xe, vừa lúc đó kịp nghe có tiếng “Cứu con tôi với”. Nhìn xuống dòng sông nước đang chảy xiết, Thủy phát hiện chị Chín đang chới với, tay ôm chặt đứa con trai chừng hơn hai tuổi. Khi ấy phía đầu cầu vẫn có 3, 4 cô gái và ông chủ phà, nhưng tất cả dường như chùn chân lại trước dòng nước dữ. Không mảy may suy tính sự nguy hiểm, Thủy lao xuống dùng hết sức để cứu người.

 Chị Lê Thị Thủy.
Chị Lê Thị Thủy.
Chị Chín nhớ lại: Giữa dòng sông đang chảy xiết, tôi ôm chặt con trong tay tưởng như đây sẽ là những giây phút cuối cùng của hai mẹ con. Tôi lờ mờ nhìn thấy một bóng người nhỏ nhắn. Phản xạ và bản năng làm mẹ, tôi trao ngay đứa con của mình cho bóng người ấy mà sau này tôi mới biết là Thủy chỉ với hy vọng con mình sẽ bình an vô sự”. Còn Thủy chia sẻ suy nghĩ với chúng tôi một cách giản dị: “Trong cơn nguy khốn ấy, chính đứa trẻ cùng người mẹ đang chới với đã khiến em không thể cầm lòng. Đứa bé cũng tầm tuổi như con em. Nhưng trong dòng nước hung hãn, em chỉ biết giang tay đón lấy đứa con của chị Chín và đưa cao lên khỏi mặt nước cho cháu khỏi bị ngạt nước. Sức nước quá lớn, sức em chẳng đủ để đưa hai mẹ con chị lên bờ nếu không có sự hỗ trợ của ông chủ phà đã kịp đưa thuyền ra ứng cứu”. Có dịp cùng Thủy quay trở lại hiện trường xảy ra sự việc, chính ông chủ phà đã phải thốt lên rằng: “Sao mà cháu dũng cảm thế, bản thân chú lúc đó còn không dám và phải quay lại lấy phà đấy!”.

Cũng từ vụ việc của hai mẹ con chị Chín, người dân nơi đây lại nói với nhau về ước mơ có một cây cầu vững chắc và an toàn đã mấy chục năm rồi nhưng đến bây giờ vẫn chỉ là mơ ước. Mong ước mơ ấy sẽ sớm thành hiện thực.

Đàm Nam Gia

Ý kiến bạn đọc


(Video) Cho biên cương mãi xanh!
Vượt lên nỗi nhớ gia đình, nhớ Tết quê hương, những người lính “quân hàm xanh” luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ giữ bình yên biên giới quốc gia để nhân dân được vui Xuân, đón Tết an toàn.
Trang tin địa phương