Multimedia Đọc Báo in

Một cộng tác viên dân số người M’nông nói hay làm giỏi

16:47, 16/11/2011

Là người con của buôn chứng kiến những khó khăn, vất vả của đồng bào mình do việc sinh đẻ không có kế hoạch, sinh nhiều, sinh dày, trẻ con nheo nhóc, suy dinh dưỡng, phần lớn trẻ con do sinh ra trong gia đình nghèo đông con thường không được đi học như các bạn cùng trang lứa khác, năm 2002 chị H’Nem Du, ở buôn Mă, xã Bông Krang (Lak), tình nguyện làm cộng tác viên (CTV) dân số của buôn.

Những ngày đầu mới làm, cũng như bao CTV dân số khác, chị H’Nem Du gặp không ít khó khăn trong việc vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Khó khăn lớn nhất của chị không phải là kinh nghiệm làm việc, hay đường sá đi lại khó khăn mà là do ý thức của người dân trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình chưa cao. Buôn Mă có 140 hộ với 675 nhân khẩu, trong đó có 64 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, 12 cặp vợ chồng sinh con 1 bề; gần 99% dân số là người dân tộc M’nông. Phần lớn bà con vẫn còn nặng về quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, sinh đông con cho vui cửa vui nhà, nhất là những hộ gia đình có con một bề thì muốn sinh cho “có nếp có tẻ”… nên chuyện vận động chị em thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch không hề dễ dàng. Không ít lần khi đến tuyên truyền, chị H’Nem đã gặp phải những ông chồng cục tính, buông ra những lời lẽ với thái độ thiếu thiện cảm như: “Mùa này bận rộn, nhiều công việc, tao không cho vợ tao đi đình sản, ở nhà còn giúp tao làm ruộng”, lại có những gia đình, người chồng cấm vợ trò chuyện với CTV dân số,  không cho  sinh hoạt hội phụ nữ, hễ thấy CTV dân số là họ đóng chặt cửa không cho vào nhà…”.

Chị H’Nem Du đang hướng dẫn chị em sử dụng các biện pháp tránh thai.
Chị H’Nem Du đang hướng dẫn chị em sử dụng các biện pháp tránh thai.
Khó khăn vậy song với lòng nhiệt huyết, ý thức trách nhiệm với công việc hễ lúc nào rảnh rỗi là chị lại tìm đến các hộ gia đình trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là các hộ gia đình sinh con một bề, con đông, cuộc sống khó khăn để tuyên truyền, vận động. Bất kể mọi lúc mọi nơi, khi đi làm ruộng, hay gặp mọi người trên đường, chị đều trò chuyện, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các cặp vợ chồng, từ đó tìm ra giải pháp hay nhất để vận động mọi người thực hiện tốt KHHGĐ. Ngoài ra, với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn, trong những lần họp tổ, chị đã lồng ghép tuyên truyền cho chị em về chính sách dân số – KHHGĐ… Dần dần chị đã thuyết phục được các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ tự nguyện áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Trong số 64 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thì có 43 chị đã đi đình sản, còn lại đều sử dụng các biện pháp tránh thai như: đặt vòng, sử dụng bao cao su… Nhờ vậy, trong những năm qua, tình trạng gia tăng dân số ở buôn Mă đã giảm đáng kể.

Gia đình chị H’Kiên Du là trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhưng vì sinh con một bề nên chị cũng muốn sinh thêm con. Được chị H’Nem đến vận động, tuyên truyền, gia đình chị H’Kiên đã hiểu, và ý thức được sự đẻ nhiều sẽ dẫn đến đói nghèo, thất học nên quyết định đi đình sản. Đến nay, mặc dù gia đình chỉ có 1 sào ruộng song vợ chồng chị cần cù, chăm chỉ lao động, chi tiêu tiết kiệm nên cuộc sống cũng bớt khốn khó, 2 con đều được đến trường. Còn chị H’ Dă Du thì cảm kích: “Vợ chồng tôi đã có 3 đứa con. Sinh nhiều không kiêng cữ được nên sức khỏe tôi không tốt, hay đau ốm, bệnh tật. Nhưng nếu không có chị H’Nem tuyên truyền thi có lẽ vợ chồng tôi cũng sinh thêm vài đứa nữa cho vui cửa vui nhà. Ngày đó tôi sinh thêm thì chưa chắc các con tôi đã được đi học, cuộc sống chắc khó khăn nhiều. Cám ơn chị H’Nem nhiều lắm,...”

Ngoài việc vận động chị em thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch, chị H’Nem Du còn thường xuyên tư vấn cho bà con cách sử dụng các biện pháp tránh thai, hướng dẫn cho bà con những kiến thức về làm mẹ an toàn, chống suy dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, chia sẻ trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống sau những ngày làm việc vất vả, mệt nhọc…. Nhờ sự nhiệt tình, năng động trong công việc, gần gũi và chia sẻ khó khăn với chị em mọi lúc mọi nơi nên chị H’Nem Du luôn được bà con trong buôn quý mến và tin yêu.

Vy Thủy

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.