Multimedia Đọc Báo in

Người cựu chiến binh trên vùng đất Tam Giang

09:21, 06/12/2011

Năm 1968, chàng thanh niên Văn Đức Kệ (Xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) gia nhập binh đoàn bộ đội chủ lực Quân khu 4 thuộc c. hành lang (trinh sát), làm nhiệm vụ đánh chặn tiếp tế, đi lại của địch trên toàn tuyến đường số 7 (Campuchia - Việt Nam). Nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra, mà cho đến bây giờ, khi đã gần 70 tuổi, người lính già, cựu chiến binh Văn Đức Kệ vẫn không thể nào nguôi quên được, như ký ức của một thời khói lửa khó xóa nhòa. Đó là trận đánh trên thị trấn Mi Mốt, kéo dài ròng rã suốt một ngày trời. Địch dùng xe tăng, bộ binh càn vào điểm chốt, hòng tiêu diệt trung đội của ông. Ba mươi tư tay súng, cuối trận chỉ còn lại hai người – là ông và một chiến sĩ giữ B.41. Đến 7 giờ tối, anh nuôi đưa ba mươi tư gói cơm lên, chỉ còn hai người được nhận, anh nuôi đã ôm mặt mà khóc… Ông cũng đã từng tham gia đánh trận Bình Long, Phước Long - trận đánh then chốt để Bộ chính trị có cơ sở xem xét, so sánh giữa thế và lực của ta và địch để qua đó quyết định mở đợt Tổng tấn công mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Và cũng chính trong trận đánh vào Sài Gòn mùa xuân năm 1975 ấy, tại điểm dốc ngã Ba Xuân Lộc, ông đã bị thương ở đầu và chân, phải quay về tuyến sau điều trị.

Năm 1979, quân nhân Văn Đức Kệ xuất ngũ. Vùng đất Quảng Thái quê ông ngày ấy nghèo lắm, không đủ đất cho người cấy hái, gieo trồng. Ý chí người lính cương quyết không cam chịu đói nghèo thôi thúc ông tìm đến vùng đất mới là xã Tam Giang (huyện Krông Năng, tỉnh  Dak Lak). Tam Giang những năm 1980 trở về trước còn hoang vu và vắng người. Dân đi từng đợt kinh tế mới, rồi từng đợt rủ nhau về chốn cũ bởi đói cơm, sốt rét, bệnh tật triền miên. Người đảng viên, Cựu chiến binh Văn Đức Kệ cùng với 7 đảng viên trong chi bộ (cũng là 7 quân nhân xuất ngũ, 7 người lính bộ đội Cụ Hồ) họp, đề ra nhiệm vụ sống còn lúc này là phải vận động nhân dân khai hoang vỡ đất, sản xuất ra lương thực để cứu đói, trong đó các đội trưởng là lực lượng nòng cốt đi đầu trong phong trào xây dựng đập thủy lợi, đảm bảo đủ nước tưới cho 2 vụ lúa.  Ông còn vận động thanh niên cắm trại đắp đập, đào kênh dẫn nước tưới mát cho ruộng đồng. Những nỗ lực của ông và các đảng viên trong chi bộ đã được đền đáp: Sắn, khoai đã xanh rẫy, lúa đã vàng đồng; tạm thời đáp ứng cái ăn, tuy chưa no nhưng đã đỡ đói. Bà con tin tưởng vào việc làm của những cựu chiến binh, của anh bộ đội Cụ Hồ, yên tâm ở lại  bám trụ lâu dài; chọn nơi đây làm quê hương thứ hai.

Khi vùng đất Tam Giang đã trù phú như một làng quê dưới xuôi, cùng với bao gia đình khác, nhà ông Kệ cũng đã có của ăn của để, kinh tế phát triển đi  lên, ngày một khấm khá hơn. Ông luôn suy nghĩ: mình là Đảng viên, là cựu chiến binh, là thương binh thì phải  phát huy truyền thống để bà con nhìn vào mà noi theo. Có thể nói: ông Văn Đức Kệ là một trong những người mà tên tuổi gắn bó với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Tam Giang này… Ông đã từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, rồi Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Chủ nhiệm hợp tác xã v.v… Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Mặc dù tuổi đã cao, ông Văn Đức Kệ vẫn tiếp tục tham gia vào các hoạt động xã hội của địa phương; động viên vợ con, gia đình tích cực tăng gia lao động sản xuất và chấp hành tốt đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.  Ba anh con trai của ông đều học nghề cơ khí, mở gara chữa xe máy, sản xuất máy bơm nước… đủ cung cấp cho bà con trong vùng; nhà ông có 2 hecta cà phê, hàng năm thu hoạch trung bình 6 tấn cà nhân. Ông đã sắm được đầy đủ trang, thiết bị phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong gia đình

Năm nay ông Văn Đức Kệ đã bước sang tuổi bảy mươi, có 40 năm tuổi Đảng. Là thương binh 33%, nhưng ở người đảng viên, cựu chiến binh, người lính bộ đội cụ Hồ ấy vẫn toát lên một sức mạnh, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách để cùng bà con xây dựng miền đất Tam Giang giàu mạnh.

Trường Sa

Ý kiến bạn đọc