Chàng trai Hà Nội bén duyên với vùng đất Dak Lak
Ngoài công việc giảng dạy chuyên môn, thầy giáo trẻ Ngọ Văn Trí luôn đi đầu trong các phong trào của trường và đoàn thanh niên. |
Sinh năm 1985, đam mê nghệ thuật và tốt nghiệp khoa Mỹ thuật tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào năm 2006, năm 2008, trong một lần lên thăm người chú tại huyện Krông Pak, dường như Trí đã bị mảnh đất này “mê hoặc” và ngay trong năm đó Trí đã quyết định nộp luôn hồ sơ xin việc tại vùng đất này. “Mình còn nhớ mãi như in ngày đó là ngày 8-8-2008, khi được nghỉ phép và quyết định lên thăm bà con, họ hàng tại đây. Ngay khi đặt chân đến đây, luồng không khí mát lành dường như đã ngấm vào máu của mình. Chỉ với một thời gian ngắn sinh hoạt, tuy điều kiện còn khó khăn nhưng với cuộc sống thanh bình, mọi người chan hòa, cộng với nhiệt huyết tuổi trẻ, muốn cống hiến, xây dựng cho những vùng đất còn khó khăn nên mình quyết định nộp hồ sơ xin việc tại đây. Vừa may có đợt tuyển giáo viên và mình đã được nhận đi dạy tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pak, một xã còn nhiều khó khăn của huyện đúng vào tháng 10-2008”, đó là những lời bộc bạch đầy chân thành của Trí khi được hỏi về nguyên do nào mà anh lại quyết định lập nghiệp tại Dak Lak. Ngày đó khi mới nhận nhiệm vụ làm giáo viên của trường, anh đã bị gia đình và bạn bè ngoài ở Sóc Sơn, Hà Nội phản đối quyết liệt. Bố mẹ anh thì khuyên về nhà làm để cho gần gia đình. Anh em thì khuyên ra ngoài đấy để làm việc, điều kiện, cơ sở vật chất, quan hệ xã hội đều tốt hơn. Trí tâm sự, tuy bị phản đối nhiều nhưng anh cứ ở “lỳ” trong này rồi mọi người cũng đồng ý và những khó khăn về cuộc sống cũng dần được khắc phục. Hiện gia đình anh vẫn còn bố mẹ, ông bà nội, hai anh trai và 1 em gái đều sinh sống và công tác ngoài Hà Nội.
Bén rễ rồi Trí cũng nhanh chóng bén duyên với mảnh đất này khi vào năm 2011, anh quen và kết hôn với cô gái Nguyễn Ngọc Phương Anh, nhà ở thị trấn Phước An (Krông Pak), vào đây làm việc tại văn phòng của Trường Tiểu học Hoàng Diệu. Lúc mới cưới được nhà trường tạo điều kiện ở nội trú, rồi một giáo viên gần trường chuyển công tác, hai vợ chồng liền gom góp và mua lại mảnh đất đó làm nhà. Thu nhập hằng tháng hai vợ chồng cộng lại khoảng 9 triệu, đó là lương thu hút vùng 3, sau 5 năm thì bị cắt nên đến giờ hai người vẫn ở nhà gỗ. Khó khăn là vậy nhưng Trí vẫn quyết tâm vươn lên và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Do đặc thù học sinh phần đông là con em đồng bào nhiều dân tộc thiểu số, ngôn ngữ có nhiều bất đồng giữa các em nên việc tiếp thu còn hạn chế. Các thầy cô đa số là giáo viên luân chuyển từ thị trấn hoặc các vùng khác đến làm từ 3 đến 5 năm lại chuyển đi nên lượng giáo viên sở tại rất ít. Thế nhưng, với tâm huyết của mình Trí luôn tìm tòi và truyền đạt tốt nhất những gì mình đã học được đến với các em. Có thể đây là một môn học khá mới đối với học sinh ở đây nhưng với những cách truyền đạt khá riêng của mình, Trí đã mang lại cho học sinh những cách suy nghĩ mới về môn Mỹ thuật này. Trí bộc bạch, Mỹ thuật là môn nghệ thuật đòi hỏi sự thoải mái về mặt tinh thần, không gò bó với các em từ đó giúp các em thoải mái về trí tuệ, không bị áp lực về thời gian, kiến thức. Điều quan trọng nhất là giúp các em hình thành thế giới quan và vẽ ra theo trí tưởng tượng của mình. Đây là môn học không chỉ đòi hỏi sự mày mò, mà còn đòi hỏi sự sáng tạo, cảm nhận mỹ thuật từ đó chỉ yêu cầu các em sáng tạo, vận động và sáng tạo thẩm mỹ theo cách nhìn của mình. Theo thầy Đinh Nho Thiền, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Diệu thì khi thầy Trí về nhận nhiệm vụ đã tạo dựng được uy tín đối thầy cô trong nhà trường, cũng như các bậc phụ huynh, từ đó Trí được bầu làm Bí thư Đoàn trường và phụ trách các phong trào. Chính nhờ sự năng động của Trí, cùng với sự nhiệt tình của các giáo viên trẻ mà phong trào của nhà trường hoạt động khá tốt, tạo nhiều sân chơi cho các em ở vùng sâu, vùng xa này. Thầy Thiền khẳng định: “Có thể nói thầy Trí là một người vững chuyên môn và cũng rất tích cực trong mọi hoạt động của trường, đoàn thành niên. Trí luôn đi đầu đứng trước và rất có uy tín trong mọi hoạt động. Trí đã góp một phần không nhỏ dẫn phong trào của đoàn thanh niên trong trường ngày một đi lên”.
Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc