Multimedia Đọc Báo in

Người thanh niên Êđê nhận giải thưởng Lương Định Của

09:50, 07/10/2013
Anh Y Hô Byă (29 tuổi, dân tộc Êđê, hiện ở buôn Cư Phiăng, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Ea Yông  (huyện Krông Pak). Sau khi học xong THPT, Y Hô Byă nghỉ học để lao động phụ giúp gia đình, nhưng vì nghề nghiệp chẳng có, đất đai lại không nhiều nên cuộc sống cứ thiếu trước, hụt sau.

Năm 2012, trong một vài lần anh đến thăm họ hàng ở buôn Cư Phiăng, cảm mến trước tính tình hiền lành, chân chất của anh, chị H’Nghin Niê tìm thấy “một nửa của mình” và hai người đã tiến đến hôn nhân. Theo phong tục của đồng bào Êđê, trước khi cưới, người con gái phải về sống ở gia đình con trai  một thời gian để đền đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ chồng, sau đó mới được phép về sinh sống bên gia đình vợ. Tuy nhiên cảm thông với hoàn cảnh gia đình vợ đơn chiếc, bố vợ đã qua đời, mẹ vợ cũng ở tuổi lục tuần, 5 anh chị lớn có gia đình đã ra ở riêng, vì vậy anh quyết định chuyển về buôn Cư Phiăng để lập thân, lập nghiệp.

Ông Y Kăn Niê, anh vợ của Y Hô Byă tâm sự: “Mới đầu gặp gỡ Y Hô, mặc dù biết hoàn cảnh của Y Hô rất nghèo, tài sản không có gì, nhưng qua giao tiếp thấy tính tình dễ mến, không chơi bời hay rượu chè bê tha, nên gia đình đồng ý cho em gái “bắt” nó, đồng thời giao hết đất đai của gia đình để có người làm ăn nuôi dưỡng mẹ già…”. Không phụ lòng tin tưởng của mọi người, ngày ngày anh Y Hô cùng vợ tích cực lao động sản xuất. Những năm gặp thiên tai, mùa màng thất bát, để có cái ăn, cái mặc và tái sản xuất, Y Hô phải vay ứng trước của những người đầu tư với lãi suất cao, cuộc sống “ăn trước, trả sau” vẫn không làm anh nản chí. Tham gia các lớp tập huấn do Khuyến nông tổ chức, anh nhận thức rằng làm nông nghiệp không thể độc canh cây lúa mà phải thực hiện đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Sau nhiều đêm trăn trở anh bàn với vợ mạnh dạn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 10 triệu đồng để làm vốn phát triển chăn nuôi kết hợp với chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai. Đối với diện tích chân đồi anh bố trí trồng mì, những nơi thuận tiện tưới tiêu anh trồng cà phê, đồng thời khai hoang mở rộng thêm diện tích lúa 2 vụ. Đến nay gia đình anh đã có 4,2 ha đất canh tác, trong đó có 0,4 ha cà phê kinh doanh, 0,8 ha ruộng nước 2 vụ và 3 ha mì; trong chuồng luôn có khoảng 20 con heo; mỗi năm thu được gần 170 triệu đồng. Từ việc mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thành công, gia đình anh đã làm được nhà cửa khang trang và mua sắm nhiều phương tiện phục vụ sản xuất.

Không chỉ là một thanh niên sản xuất giỏi mà anh còn luôn gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đoàn kết, giúp đỡ mọi người, tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể dục,  thể thao của địa phương.  Hiện tại Y Hô Byă được bà con trong buôn Cư Phiăng tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội Nông dân. Tháng 5 vừa qua anh đã vinh dự được dự Hội nghị Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác do Tỉnh ủy tổ chức và cuối tháng 9 vừa qua anh là một trong 5 gương mặt tiêu biểu của tỉnh được nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 8, năm 2013 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tại TP. Vinh (tỉnh Nghệ An).

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.