Multimedia Đọc Báo in

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Một cán bộ xã tâm huyết với công tác bảo tồn văn hóa truyền thống

13:46, 24/02/2014
Cư Pui là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Bông, trình độ dân trí thấp, địa bàn rộng, dân cư trên 13 nghìn người, trong đó có đến gần 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2010, khi mới được bầu làm Chủ tịch UBND xã, cùng với việc tìm giải pháp để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo thì điều anh Nguyễn Văn Tâm quan tâm là làm sao để bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của 14 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn.
 
Khi đó, mỗi buôn trên địa bàn xã chỉ còn vài ba bộ chiêng; những đêm hội, lễ cúng của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa cứ thưa dần; những giọng ca, điệu múa, tiếng khèn và các trò chơi truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư sinh sống trên địa bàn đang dần bị lãng quên nhường chỗ cho nỗi lo cơm áo, gạo tiền... Đó là những thách thức không nhỏ trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa trong truyền thống. Anh Tâm bắt đầu bằng việc đề nghị đưa nội dung bảo tồn văn hóa vào Nghị quyết của Đảng bộ xã nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và sự đồng lòng của nhân dân. Anh Tâm bộc bạch: “Mới đầu mọi người chưa thực sự tin sẽ cải thiện được tình hình vì Cư Pui là một xã đặc biệt khó khăn, tất cả mọi ưu tiên đều giành cho việc xóa đói, giảm nghèo. Song tôi nghĩ: sẽ có giải pháp nếu mình quyết tâm”. Và vị tân Chủ tịch UBND xã bắt tay vào xây dựng kế hoạch.
Trò chơi chọi bò trong Lễ hội văn hóa các dân tộc phía Bắc tại xã Cư Pui.
Trò chơi chọi bò trong Lễ hội văn hóa các dân tộc phía Bắc tại xã Cư Pui.

Anh Tâm mời già làng, trưởng buôn, những người có uy tín trong cộng đồng cùng bàn bạc, phân tích để họ thấy được tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, sự cần thiết của tín ngưỡng tâm linh lành mạnh để cùng nhau có trách nhiệm bảo tồn, phát huy những nét đẹp truyền thống đang có nguy cơ mai một. Cho rằng muốn giữ được cồng chiêng, lễ cúng bến nước, các làn điệu dân ca, các trò chơi truyền thống thì phải để người dân thực sự xem đây là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống, anh đã tổ chức nhiều “sân chơi” cho nhân dân trong xã: tổ chức lễ hội cồng chiêng, dân ca, dân vũ, buôn vui chơi, buôn ca hát cho đồng bào Êđê và M’nông với quy mô cấp xã; mỗi năm hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên cho 5 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để tổ chức lễ cúng bến nước vào dịp cuối năm. Đặc biệt trong 2 năm qua, UBND xã Cư Pui đã hỗ trợ hơn 40 triệu đồng để tổ chức Lễ hội văn hóa các dân tộc phía Bắc cho 6 thôn đồng bào Mông, Tày, Thái vào dịp đầu năm âm lịch. Lễ hội đã thu hút hàng nghìn người tham gia, trong đó có nhiều người Mông, Tày, Mường ở các huyện Ea Kar, M’Drak, các xã lân cận và các tỉnh như Lâm Đồng, Dak Nông cùng tham dự nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống. Anh Tâm cho biết: “Việc tổ chức các hoạt động văn hóa tạo ra sân chơi lành mạnh, giúp người dân có cơ hội giao lưu, thi thố tài năng, làm giảm đi tệ nạn trong những ngày xuân. Xã Cư Pui rất mong muốn được sự hỗ trợ kinh phí của cấp trên để tiếp tục mở rộng quy mô tổ chức các lễ hội, đồng thời khuyến khích các tổ chức, đoàn thể, cá nhân ở địa phương cũng như các địa phương khác cùng tham gia làm cho các hoạt động văn hóa thêm phong phú hơn nhằm từng bước xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa các dân tộc trên quê hương căn cứ cách mạng”.

Chưa hết, ông Chủ tịch UBND xã hiện còn ấp ủ nhiều dự định như: sưu tầm những dụng cụ lao động, sinh hoạt, nhạc cụ của người dân bản địa để trưng bày tại Nhà văn hóa của xã;  mỗi tháng hỗ trợ 50 nghìn đồng cho mỗi buôn để duy trì đêm văn hóa rượu cần tại Nhà văn hóa cộng đồng... Anh Tâm cũng cho biết, trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên, Ban Văn hóa của xã sẽ phối hợp với Liên đội các trường học trên địa bàn đưa các hoạt động văn hóa truyền thống vào trường học; mở lớp học hát dân ca, đánh cồng chiêng ở các buôn... Anh cũng đang nỗ lực chỉ đạo các thôn, buôn phát triển phong trào văn nghệ, thể dục - thể thao.

Giờ đây, trên địa bàn xã Cư Pui, tiếng cồng, tiếng chiêng lại vang lên, lễ cúng bến nước, cúng mừng lúa mới của người dân bản địa lại được tổ chức, cùng với đó là lễ hội văn hóa các dân tộc phía Bắc đang dần trở thành thông lệ. Có được điều này, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản còn có sự nỗ lực rất lớn của người đảng viên, cán bộ xã Nguyễn Văn Tâm.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.