Multimedia Đọc Báo in

Tình yêu trên bục giảng

14:07, 28/01/2014

“Ai cũng có một mặt trời cho riêng mình, mặt trời sẽ sưởi ấm  khi phải đối diện với gian nan thử thách, tiếp thêm ý chí để vượt qua khó khăn vất vả. Mặt trời của tôi là học sinh nơi vùng khó  với khát khao cháy bỏng là được học để làm người”- cô giáo  Lê Văn Thị Thanh Duyên bắt đầu câu chuyện.

Rễ đã bén sâu vào đất…

Khác lạ với thời tiết mùa khô Tây Nguyên, năm nay đã cận kề Tết Nguyên đán mà Krông Bông vẫn mưa giăng trắng trời, mưa làm tím thẫm những cánh rừng xa tít chạy dọc chân dãy Cư Yang Sin hùng vĩ. Con đường từ thị trấn Krông Kmar vào xã căn cứ Cư Drăm nhiều đoạn vốn đã lầy lội càng bị dìm sâu dưới lớp bùn đất đặc quánh. Một cư dân bản địa đi cùng chia sẻ: “Bây giờ còn có đường bê tông, đường nhựa, chứ hơn 10 năm trước những giáo viên như cô Duyên phải đi hơn nửa ngày đường mới vào đến trường đấy”. Nghe anh nói, tôi càng cảm phục tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề của những giáo viên nơi vùng sâu, vùng xa này…

Khát khao cháy bỏng học chữ của  học sinh dân tộc thiểu số là động lực thôi thúc cô giáo Duyên gắn bó với vùng đất nghèo
Khát khao cháy bỏng học chữ của học sinh dân tộc thiểu số là động lực thôi thúc cô giáo Duyên gắn bó với vùng đất nghèo.

Ngày đầu tiên đặt chân đến huyện Krông Bông nhận nhiệm sở, Duyên sững sờ bởi đoạn đường liên huyện từ thị trấn Krông Pak (huyện Krông Pak) đến thị trấn Krông Kma (huyện Krông Bông) xuống cấp trầm trọng với chi chít những vũng bùn lầy, vũng nước ngập sâu hơn nửa bánh xe. Trong hình dung của Duyên trước khi nhận công tác thì Krông Bông có khó khăn nhưng cũng không đến mức khiến cô choáng ngợp và lo lắng với điều mà học sinh ở đây phải gánh chịu. “Khi chọn học ngành sư phạm, tôi tâm nguyện sẽ đi bất cứ nơi đâu miễn là được đem kiến thức đến với các em. Sự hoang vu, thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt, giảng dạy đôi lúc làm mình lung lay ý chí. Nhưng thương học sinh nghèo nên tôi không thể bỏ cuộc”, cô giáo Duyên bộc bạch. Sau 2 năm công tác tại xã Hòa Lễ, cách trung tâm huyện 8 km, cô Duyên tình nguyện vào xã căn cứ Cư Drăm, một trong những xã vùng sâu, nghèo nhất, nhì huyện lúc bấy giờ, nơi ấy cũng đang có nhiều đồng môn cùng khóa tại Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak ngày đêm bám trụ “gieo mầm xanh cho tương lai”. 

Hơn 10 năm, nhưng nỗi ám ảnh với cô giáo Duyên vẫn là những ngày đông giá rét khi nhìn thấy học sinh dân tộc thiểu số quần áo cũ rách không đủ ấm, vẫn “chân trần” đến trường. Nước mắt cứ lặng lẽ rơi, nhưng chẳng làm được gì nhiều cho học trò của mình vì lúc ấy tiền lương cũng chỉ đủ chi tiêu hằng ngày. Thương lắm những học sinh người Mông, Êđê, Mường, Dao, Nùng, Thái, Xê Đăng, Tà Thẻn… nhà ở cách xa trường vài chục ki-lô-mét từ 4 giờ sáng băng rừng, leo đồi, vượt suối đến trường và hơn 1-2 giờ chiều mới về đến nhà trong cơn đói bụng cồn cào. Sợ con gặp nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ, nhiều phụ huynh cắt tranh, chặt lồ ô dựng lều tạm gần trường để các em trọ học trong trăm bề thiếu thốn. Mỗi khi mùa đông về, những chiếc lều tạm trở nên “bất lực”, các em phải tự che chắn gió lùa qua liếp vách, đốt lửa sưởi ấm những đêm giá lạnh nhưng vẫn chăm chỉ học bài. Trái tim cô giáo trẻ  xốn xang và thôi thúc quyết tâm gắn bó với những đứa trẻ thiệt thòi đang hằng ngày khao khát con chữ. Duyên tâm sự: “Tôi nói với ba, mẹ và các bạn khi chuyển công tác về đây là “bao giờ bén rễ xanh cây mới về”. Nhưng bây giờ rễ đã ăn sâu vào lòng đất, cây cũng đã đâm chồi nảy lộc, hai vợ chồng tôi sẽ tiếp tục gắn bó với vùng đất này bởi vẫn còn các em cần cái chữ, cần thầy, cô giáo”.

Lặng lẽ gieo những mầm xanh

Ở trường THCS Cư Drăm, giáo viên đến từ nhiều nơi, cứ dạy một vài năm lại…đi. Những đứa trẻ học hết 4 lớp bậc trung học cơ sở cứ làm quen rồi lại chia tay với hết thầy cô này đến thầy cô khác. Xa gia đình, vắng bè bạn, Duyên bảo niềm vui duy nhất của mình chính là học trò. Ở mãi rồi quen, xã vùng sâu, vùng xa heo hút ngày nào đã trở thành miền đất nhớ với cô tự lúc nào không hay. Dù có cơ hội chuyển công tác ra nơi thuận lợi hơn, nhưng Duyên đã từ chối để cùng với học sinh nghèo theo đuổi con chữ với ước vọng vùng đất khó ngày mai sẽ đổi thay. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng cô giáo Duyên là nơi học tập của nhiều lớp học sinh mỗi khi vào mùa thi. Cả cô và trò cùng thức khuya, dậy sớm luyện chữ để “đem chuông đi đánh xứ người”. Duyên chia sẻ: “Thấy học sinh nào học nhỉnh hơn một chút là chọn vào đội tuyển và ra sức bồi dưỡng, rèn giũa. Dạy trên trường chưa đủ, thầy, cô đưa các em về nhà riêng để kèm thêm. Nhiều em có năng khiếu Văn học nhưng chữ viết nguệch ngoạc, sai lỗi chính tả tôi lại cần mẫn hướng dẫn các em nắn nót rèn từng con chữ”. Đời sống khó khăn, lo cái ăn còn chưa đủ nên người dân nơi đây cũng không có thời gian để quan tâm đến việc học hành của con. Để duy trì tỷ lệ chuyên cần, Duyên và các đồng nghiệp phải nỗ lực tiếp cận các bậc phụ huynh. Bất đồng ngôn ngữ, các thầy, cô chỉ biết lấy tình thương, rộng mở tấm lòng dạy dỗ học sinh của mình.  

Vùng đất gian khó, trường lớp - nơi cô Duyên gieo chữ, gieo những mầm xanh của tương lai nay đã có nhiều đổi khác. Sự đổi thay ấy đến rất chậm rãi, lặng lẽ chứ không sôi động ồn ào như chốn phố thị. Nhưng cũng còn mong manh lắm bởi chỉ cần một vụ sản xuất mất mùa, hay nhà các em có người ốm… thành quả lao động nhiều năm bỗng chốc tan thành mây khói. Và khi đó những cô cậu học trò này có thể lại bỏ học, quay về với nương rẫy. Đó cũng là mối quan tâm, lo lắng của những thầy cô giáo đang gắn bó với sự học nơi đây. Mười năm gắn bó với trường THCS Cư Drăm lắng đọng trong ký ức cô Duyên nhiều kỷ niệm buồn vui, nhưng sâu thẳm trong lòng vẫn là khát vọng đem con chữ đến với học sinh. Niềm vui của các thầy, cô giáo rất dung dị, mộc mạc nhưng không vì thế mà thiếu đi sự ấm áp, chân thành. Đó là những khi học sinh bỏ học được trở lại trường, hay các em hoàn thành chương trình THCS, học tiếp lên bậc THPT, thi đỗ đại học, cao đẳng…

Năm học 2013-2014 đến với vợ chồng cô giáo Duyên trong niềm vui vỡ òa bởi lần đầu tiên Trường THCS Cư Drăm có một học sinh thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Nguyễn Du. Ngày em Nguyễn Thị Minh Nguyệt tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, không chỉ có bố mẹ hồi hộp mà vợ chồng cô giáo Duyên cũng dõi mắt chờ mong. Khi danh sách học sinh thi đỗ vào Trường Chuyên được công bố trên mạng, hai cô trò ôm chầm lấy nhau reo vui. Niềm vui nhanh chóng lan tỏa sang tất cả các thầy cô giáo trong trường; bởi ở một ngôi trường có hơn 400 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm hơn 70%, tỷ lệ học sinh khá, giỏi chưa đến 10%, có được một học sinh đỗ vào Chuyên Nguyễn Du là một niềm tự hào, nguồn cổ vũ lớn đối với thầy và trò nơi đây. Hơn 10 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng khó, cô Duyên đã có một tài sản vô giá là hơn 10 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, hàng chục học sinh trở thành sinh viên các trường đại học uy tín trong cả nước. Hạnh phúc hơn, dù đi xa, các em vẫn luôn nhớ về thầy cô giáo đã chăm lo, bồi đắp ước mơ muốn vượt khó, thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu. 

Những cơn mưa vẫn không ngừng trút xuống, từng cơn gió lạnh vẫn rít lên, đường trở về đang thách thức phía trước, nhưng tôi thấy lòng mình ấm lạ, bởi tấm lòng của cô giáo với học sinh vùng khó.

Đến với xã căn cứ Cư Drăm còn có nhiều câu chuyện khác về những thầy cô giáo đã đem sức trẻ, tri thức và nhiệt huyết về thắp sáng vùng sâu. Các thầy, cô giáo có chung tâm tình, quan trọng là mình có thể truyền đạt những kiến thức đã học cho các em,  nhất là trẻ ở những nơi còn gian nan, thiếu thốn.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.