Multimedia Đọc Báo in

Những “người hùng” trên mặt trận giao thông

14:20, 02/09/2012

Sẵn sàng bỏ thời gian, công sức, tiền của nhằm góp phần đem lại sự an toàn cho những người không may bị tai nạn giao thông; hay cùng người dân địa phương đóng góp xây dựng một tuyến đường nội thôn mà không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào… Họ chính là những “người hùng” trên mặt trận giao thông vừa được vinh danh tại lễ tuyên dương những tấm gương quần chúng tiêu biểu trong xây dựng và bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tại Hà Nội vào cuối tháng 8-2012.

Chủ tịch xã nhiệt huyết với phong trào giao thông nông thôn (GTNT)

Ea Ô là một xã thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trong khi đó giao thông yếu kém lại là yếu tố cản trở mọi sự phát triển của địa phương. Từ thực tế đó, anh Nguyễn Minh Chuyền luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để biến những con đường lầy lội thành bê tông hóa kiên cố, tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Là Chủ tịch UBND xã Ea Ô, trọng trách đó của anh Chuyền càng lớn hơn. Để mọi chủ trương của cấp trên đến với người dân, anh đã đến tận các thôn, buôn tuyên truyền, vận động theo nguyên tắc: vận động từ những thành viên trong gia đình đến bà con họ hàng, xóm giềng, sau đó mới đến các hộ dân khác tùy theo điều kiện, khả năng của từng hộ mà đóng góp, tham gia vào phong trào GTNT ở địa phương. Nhờ vậy, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, anh Chuyền cùng các đoàn thể trong xã đã vận động trên 100 hộ dân hiến đất làm đường tại các thôn, buôn với tổng diện tích 14 ha, trị giá khoảng 5 tỷ đồng; tiến hành giải phóng mặt bằng tại 19 thôn trên địa bàn để triển khai làm đường giao thông với tổng chiều dài trên 70 km… Riêng gia đình anh đã gương mẫu đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng các công trình giao thông tại địa phương. Cụ thể: năm 2005, anh cùng 2 hộ dân khác trong xã tự bỏ tiền làm cầu sắt trị giá 200 triệu đồng để bà con ra đồng được thuận lợi, đỡ nguy hiểm vì phải qua đò ngang. Mới đây, thực hiện chủ trương về xây dựng nông thôn mới, gia đình anh Chuyền là hộ tiên phong tự nguyện hiến 500m2 đất và nhiều cây cối, hoa màu; thậm chí anh còn dùng giấy chứng nhận đất của gia đình mình thế chấp vay ngân hàng 200 triệu đồng thuê nhân công, máy móc giải tỏa mặt bằng để làm đường giao thông trên địa bàn xã.

Lặng lẽ cứu người bị nạn trên dòng Sêrêpôk

Ẩn chứa bên trong dáng người nhỏ nhắn, gầy guộc là một tấm lòng vì mọi người - đó là anh Lê Văn Hiệu (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) - người đã từng cứu vớt trên 10 mạng người, từ những em học sinh đi tắm sông bị trượt chân té nước đến những người cùng quẫn tìm đến cái chết trên dòng Sêrêpôk… Bất chấp mưa, nắng, lúc tờ mờ sáng hay chập choạng tối, hễ nghe tin có người bị nạn là cả gia đình anh lập tức ra tay cứu giúp. Trong những việc làm của mình, anh Hiệu nhớ rõ nhất lần cứu người trong vụ tai nạn xe khách trên cầu Sêrêpôk vào tối 17-5-2012. Anh kể: khi nghe tiếng “rầm”, anh và con trai vội chạy ra phía đầu cầu, thấy cháu bé 5 tuổi đang khóc thét lên vì hoảng sợ, anh bảo con trai đưa cháu bé đi cấp cứu kịp thời, còn anh thì lo cứu những người bị kẹt trong xe. Nhưng lúc đó, thấy có quá nhiều người bị nạn, cứu không xuể nên anh bảo vợ về gọi thêm người ra cứu giúp. Do trời tối, việc cứu người hết sức khó khăn, anh phải kéo điện từ nhà mình ra cầu để có ánh sáng và sử dụng xà beng, cuốc, búa phục vụ cho việc cứu nạn. Cái mà anh nhận được sau những lần cứu người đó là tình người và lòng biết ơn. Những người bị nạn may mắn được anh cứu sống và thân nhân của họ tìm đến anh xin được kết nghĩa anh em, chú bác. Anh cười vui: “Bây giờ bà con họ hàng của tui kể không hết, đi đâu cũng gặp người quen. Thấy nạn không giúp là không chịu được…”. Trong đợt vinh danh gương quần chúng về xây dựng và bảo đảm trật tự an toàn giao thông vừa qua, anh Lê Văn Hiệu là một trong 19 gương mặt điển hình xuất sắc được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Người đi đầu trong việc hiến đất làm đường

Hằng ngày chứng kiến người dân phải đi lại khá vất vả trên đoạn đường đã xuống cấp, hư hỏng nặng, anh Đặng Quang Lực (xã Ea Tyh, huyện Ea Kar) không cầm được lòng. Thế là anh quyết định hiến 700m2 đất thuộc khu vực trang trại chăn nuôi, tự nguyện tháo dỡ 100 mét tường rào kiên cố, di chuyển kho chứa thức ăn gia súc của gia đình… trị giá khoảng 140 triệu đồng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn. Anh Lực chia sẻ: thời điểm này “tấc đất là tấc vàng”, nhưng việc mở rộng đường đi lối về còn quan trọng hơn, bởi nó mở ra nhiều cơ hội, trong đó việc lưu thông các sản phẩm nông sản của người dân được dễ dàng hơn, không bị thương lái ép giá. Theo chân ông, hàng chục hộ dân khác đã tham gia tích cực vào phong trào này. Anh Lực rất vui mừng, bởi việc hiến đất của ông rất có ý nghĩa và đã trở thành một phong trào rộng khắp, được mọi người biết đến và đồng tình hưởng ứng. Với những đóng góp đó, anh Đặng Quang Lực là một trong những tấm gương tiêu biểu của cả nước trên mặt trận giao thông được về Thủ đô Hà Nội báo công bên lăng Bác.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.