Multimedia Đọc Báo in

Ghi nhận những ngày đầu xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP

08:33, 16/11/2012

Ngày 19-9, Chính phủ ban hành Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (sau đây gọi là Nghị định 71). Theo quy định tại Nghị định 71 thì những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ dễ dẫn tới tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông sẽ bị tăng mức phạt, bổ sung và tăng các hình thức xử phạt bổ sung.

CSGT làm nhiệm vụ trên đường Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột.
CSGT làm nhiệm vụ trên đường Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột.

Nghị định 71 có hiệu lực từ ngày 10-11-2012, ghi nhận trong những ngày đầu lực lượng cảnh sát giao thông tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm theo Nghị định 71 có thể thấy có không ít người vi phạm các hành vi đã được sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định 71. Ở đoạn cuối đường Phan Bội Châu (TP. Buôn Ma Thuột) – nơi Tổ tuần tra kiểm soát của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh thực hiện nhiệm vụ, phần lớn người bị “thổi còi” vì đi lấn làn đường khi được hỏi đều trả lời là không biết hoặc chỉ nghe nói qua về Nghị định 71. Thế nên, khi biết hành vi của mình đã được tăng mức phạt, thậm chí người điều khiển xe ô tô còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 ngày thì gương mặt ai cũng lộ vẻ ngạc nhiên. Anh Hứa Văn Sơn, một người vi phạm cho biết: “Tôi chỉ nghe nói là Nghị định phạt hành vi không sang tên, đổi chủ rất cao chứ không biết gì thêm…”. Còn anh Nguyễn Văn Đăng cũng vi phạm hành vi này thậm chí còn không biết hành vi của mình sẽ bị phạt.

Thượng úy Võ Thanh Chương, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông cho biết: “Trong quá trình tuần tra kiểm soát trong 6 ngày qua tôi thấy ý thức của người dân chưa có chuyển biến gì hơn so với những ngày liền kề trước nên chúng tôi vẫn phải vừa tuần tra, vừa tuyên truyền, nhắc nhở. Những trường hợp vi phạm khi biết bị tăng mức xử phạt, thậm chí giữ xe thì đều rất bất ngờ…”.

Còn tại khu vực xử lý vi phạm hành chính của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, trong số hàng chục người đang chờ đến lượt làm các thủ tục nộp phạt vi phạm hành chính có không ít người sẽ bị xử phạt theo các chế tài của Nghị định 71. Anh Vi Văn Đắc điều khiển xe mô tô chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h ngỡ ngàng nói: “Mấy bữa trước, bạn tôi cũng bị phạt vì hành vi vi phạm này nói bị phạt có 300.000 đồng thôi, thế mà giờ đây tôi bị phạt đến 750.000 đồng”. Trong số gần 260 trường hợp bị Phòng Cảnh sát giao thông ra quyết định xử phạt từ ngày 10-11 đến nay có một số trường hợp không chỉ bị tăng mức phạt tiền mà còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe và tạm giữ phương tiện đến 10 ngày.

Việc sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm thường gặp của người điều khiển các loại phương tiện là để góp phần làm giảm thiểu tai nạn và hạn chế ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, trong 6 ngày qua, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết 3 người. Điều này cho thấy, việc tăng các chế tài xử phạt là cần thiết để giáo dục, răn đe trực tiếp người vi phạm, nhưng vấn đề cơ bản vẫn phụ thuộc vào ý thức tự giác của mỗi người khi tham gia giao thông.

 Thúy Hằng

Những điều người tham gia giao thông cần biết

Ngày 19-9-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (NĐ71/2012/NĐ-CP) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10-11-2012.

Theo quy định tại Điều 54 Nghị định này, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy ngoài việc bị phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn còn bị tạm giữ phương tiện đến 10 ngày khi vi phạm một trong các hành vi sau đây:

+ Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/1 lít khí thở (Điểm b, Khoản 5, Điều 9); vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (Điểm e, Khoản 6, Điều 9); 

 + Không tuân thủ hướng dẫn của người điều khiển giao thông khi qua phà, cầu phao hoặc nơi ùn tắc giao thông, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên  (Điểm đ, Khoản 5, Điều 9);

+ Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy (Điểm b, Khoản 6, Điều 9);

+ Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ (Điểm g, Khoản 6, Điều 9);  

+ Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy (Điểm a, Khoản 7, Điều 9): (1);

+ Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị (Điểm b, Khoản 7, Điều 9): (2);

+ Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh (Điểm c, Khoản 7, Điều 9) (3);

+ Điều khiển xe thành nhóm từ hai xe trở lên chạy quá tốc độ quy định (Điểm d, Khoản 7, Điều 9): (4);

+ Vi phạm các hành vi quy định tại 1, 2, 3, 4 mà gây tai nạn hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ (Khoản 8, Điều 9).


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.